03 Tháng 5 2024
Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 09:11

THẦY HÀ LAN

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

Các thế hệ học sinh trường cấp II- III Điện Biên, từ năm học 1973-1974 trở về trước có lẽ không ai không biết thầy Hà Lan. Thầy là một trong số ít thầy cô đã đóng góp nhiều công sức xây dựng  trường cấp II- III Điện Biên – tiền thân của Trường THPT Thành phố Điện Biên hiện nay ngay từ ngày đầu mới thành lập bộn bề gian khó.

Anh 1

Thầy Hà Lan của chúng ta!

Các thế hệ học sinh từ năm 1964 đến năm 1974 không bao giờ quên hình ảnh thầy giáo vầng trán cao thông tuệ, đôi mắt sáng lấp lánh sau cặp kính trắng…nhưng  rất thân thiện gần gũi. Tuy không được học thầy (vì khi chúng tôi học cấp II, Thầy đã là Hiệu trưởng)  nhưng có một kỷ niệm nhỏ về thầy mà tôi không bao giờ quên. Đó là vào khoảng đầu năm học 1972-1973, sau khi Hiệp định Pa ri được kí kết, Mỹ ngừng ném bom Miền bắc, trường chúng ta mới chuyển từ nơi sơ tán trong rừng về ở  khu đất đối diện Nghĩa trang liệt sĩ A1( tức là trường THCS Mường Thanh tọa lạc hiện nay). Nhà làm việc của BGH, lớp học, nhà ở cho các thầy cô, kí túc cho học sinh ở xa…. đều là nhà tranh, vách đất được dựng vội vàng, gấp gáp.  Để chuẩn bị cho năm học mới, chúng  tôi phải lao động rất nhiều để  buộc nhứng, trát vách, dọn cỏ, san đất, đổ nền... Có một hôm, lũ học sinh chuẩn bị vào lớp 7 thân hình nhỏ thó do đói ăn chúng tôi được giao công việc dùng cây sặt (tiếng Thái gọi là mạy khôm) rào vườn thí nghiệm ở ngay sau nhà làm việc của BGH (khoảng những năm 1985 trở về trước, trường cấp II hoặc cấp III  nào cũng bắt buộc phải có Vườn thí nghiệm cho học sinh thực hành). Chúng tôi vừa làm vừa nô nghịch chỉ một loáng là gần xong mà chẳng hề để ý là hàng rào cong queo, uốn lượn như con rắn. Đúng lúc đó, Thầy đi qua, Thầy nhẹ nhàng giảng giải cho chúng tôi cách vận dụng kiến thức hình học lớp 6 về đường thẳng, đoạn thẳng vừa học để rào lại cho  thẳng, cho đẹp. Tôi nhớ mãi câu thầy nhắc nhở về sự cần thiết phải biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, “ phải  có con mắt hình học” khi làm việc - mặc dù thầy không phải giáo viên dạy Toán…. Sau này, khi trở thành giáo viên, nhiều lần gặp lại những tình huống tương tự, tôi lại dùng câu nói của thầy năm nào để nhắc nhở học sinh.

Anh 2

Thầy Hà Lan chụp ảnh cùng tập thể hội đồng sư phạm nhà trường trong những năm đầu (thầy Hà Lan ngồi thứ ba từ bên phải sang)

   Thầy làm Hiệu trưởng trường cấp II-III Điện Biên từ 1971-1974 rồi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ty  Giáo dục (tương đương Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay) tỉnh Lai Châu - nay là tỉnh Điện Biên từ năm 1974-1980.

Từ năm 1980 thầy chuyển về Hà Nội, làm giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Trước khi nghỉ hưu (năm 2008) Thầy là Giảng viên cao cấp, Tiến sĩ triết học, Nhà giáo Ưu tú, Vụ trưởng Vụ Quản lí đào tạo Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

  Mặc dù đã xa trường, xa Điện Biên từ lâu lại bộn bề công việc ở các cương vị công tác khác nhau nhưng lúc nào Thầy cũng dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho trường  trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ. Có lần, Thầy chia sẻ với chúng tôi “45 năm công tác trong biên chế nhà nước thì 45 năm làm thầy giáo, trong đó 10 năm đầu (1964-1974) gắn bó với trường cấp 2-3 Điện Biên là thời đoạn có ý nghĩa nhất cả về tâm hồn và trí tuệ trong cuộc đời thầy. Sau này, dù đã nhiều lần là thầy dạy cho quan chức Chính phủ, cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành…. nhưng hình ảnh của học trò từ lớp 5 đến lớp 10 suốt 10 khoá kế tiếp nhau ở trường cấp 2-3 Điện Biên vẫn là đậm nét nhất trong ký ức của thày cho đến bây giờ và chắc sẽ đến “giây phút cuối của cuộc đời”.... Các sự kiện lớn của Trường hơn nửa thế kỷ qua, hầu như đều có sự tham gia ý kiến rất có giá trị của Thầy. Hình bóng của Thầy đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ giáo viên và học sinh của trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ sau này.

 Hiện nay, mặc dù tuổi cao, sức yếu (năm nay, Thầy đã hơn 80 tuổi ) nhưng Thầy vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, với các thế hệ học sinh và đồng nghiệp, với trường THPT Thành phố Điện Biên. Từ nhiều năm trước, Thầy đã gửi hồ sơ đến nhiều cơ quan, ban ngành đề nghị công nhận danh hiệu Liệt sĩ cho các thầy, cô giáo đã hy sinh khi giặc Mỹ bỏ bom trúng vào trường chúng ta ở nơi sơ tán Púng Hồ (đó là Thầy Đỗ Đức Bản và Cô Nguyễn Thị Hiền -BBT)…. Không chỉ tích cực kết nối các đồng nghiệp, Thầy còn có mong muốn kết nối các thế hệ học sinh của trường từ khi mới thành lập đến nay cùng hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập trường vào năm 2022 sắp tới. Để thực hiện tâm nguyện này, Thầy đã bỏ công sức, trí tuệ cùng một số anh chị cựu học sinh khóa I, khóa II lên Điện Biên, làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chức họp các thế hệ cựu học sinh của trường đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội… để xúc tiến việc vận động thành lập Ban Liên lạc cựu học sinh của trường cấp II- III Điện Biên. Đồng thời, thầy đã trực tiếp tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Đại hội thành lập các Ban liên lạc cựu học sinh được tổ chức tại Trường ngày 18 tháng 11 năm 2018. 

Tất cả các thế hệ giáo viên và học sinh của trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đều dành cho Thầy sự kính trọng, biết ơn sâu sắc.

 Chúc Thầy có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng chúng ta.

Tác giả: Nhà giáo ưu tú Lê Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn,

nay đã nghỉ hưu, cựu học sinh nhà trường niên khoá 1973-1976

Đọc 818 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 10:07
1st