29 Tháng 3 2024

CHƯƠNG TRÌNH “THAY LỜI TRI ÂN”-ẤN TƯỢNG VÀ CẢM XÚC

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

        Trong không khí tưng bừng rực rỡ cờ hoa đón chào những ngày lễ lớn của tỉnh 65 năm giải phóng Điện Biên, 70 năm thành lập tỉnh Đảng bộ, 110 năm thành lập tỉnh Điện Biên, 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019), tối nay ngày 18/11/2019 trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ long trọng tổ chức chương trình giao lưu “Thay lời tri ân”. Đêm giao lưu đã khắc sâu trong lòng những người tham dự, người xem chương trình qua fanpage ấn tượng và cảm xúc. 

        Đến với sự kiện này, thầy và trò nhà trường vinh dự được đón quý vị khách quý: Nhà giáo Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở và ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.  Cựu  giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên quá các thời kỳ: Nhà giáo Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà giáo ưu tú Hà Quý Minh, nhà giáo Nguyễn Sĩ Quân; Đại biểu đại diện Thành ủy,HĐND,UBND thành phố Điện Biên Phủ; 19 thầy cô trong đoàn giáo viên năm 1959; Lãnh đạo đại diện các trường THPT, các đơn vị kết nghĩa; cựu Hiệu trưởng nhà trường qua các thời kỳ, Câu lạc bộ cựu giáo chức nhà trường; Ban đại diện cha mẹ học sinh; ban liên lạc cựu học sinh nhà trường; các phóng viên báo đài… cùng về chung vui với thầy và trò nhà trường.

        Mở đầu chương trình, nhà giáo Phạm Quốc Cường - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ phát biểu chào mừng. Nhà giáo khẳng định sự vững mạnh, trưởng thành của trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ qua 57 năm. Thầy cũng tái hiện cho quý đại biểu và những người tham gia chương trình thấy những trang vàng về truyền thống nhà trường; lòng biết ơn các thế hệ thầy cô đã không tiếc máu xương, mồ hôi để đắp đất, xây nền nhà trường; bồi đắp nhân cách và giáo dục ra các thế hệ công dân yêu nước, sống có trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”“Uống nước nhớ nguồn” thầy và trò nhà trường giữ vững ngọn lửa tri ân, tôn vinh những người thầy đã, đang và tiếp tục ngày đêm thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp trồng người; tư tưởng bài viết được tỏa sáng để tôn vinh nghề dạy học - nghề mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề cao quý nhất vào bậc nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo... Vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

1

Nhà giáo Phạm Quốc Cường - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ phát biểu chào mừng

        Chương trình cuốn hút người xem bởi sự hấp dẫn của âm thanh, ánh sáng, vũ điệu, những lời ca tiếng hát nhưng được trích từ những trái tim đong đầy cảm xúc. Ẩn chứa trong đó sự biết ơn thầy cô người gieo hạt mầm tri thức, người dạy dỗ bao học trò nên người. Bao câu từ hôm nay cũng không đủ để nói hết được sự kính trọng, biết ơn, tri ân của học trò dành cho thầy cô.

        Trong không khí sâu lắng và cảm xúc, người dự chương trình đắm chìm trong phần giao lưu Giao lưu các thế hệ thầy trò. Nhà giáo Lê Thúc Kỷ -Nguyên Hiệu trưởng trường cấp I-II thị trấn Điện Biên, nguyên trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu đại diện cho Đoàn giáo viên năm 1959 đã chia sẻ về ấn tượng của mình khi lên với Tây Bắc trong những ngày tháng đầu tiên ấy. Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, ngày 15/08/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 3116-A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, cấp 2, cấp 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác. Từ chủ trương trên, Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) đã đưa 860 giáo viên ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hoá tập trung học tập và phân công lên các Ủy ban hành chính khu, tỉnh miền núi như: Khu tự trị Thái mèo, Hòa Bình, Hải Ninh, Lào Cai, Yên Bái và Việt Bắc. Trong đó, tỉnh Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên về xây dựng sự nghiệp giáo dục. Các thầy là một trong những người đầu tiên mở đường cho sự nghiệp giáo dục Điện Biên. Các thầy đã tự tay dựng trường, giúp dân xoa bỏ các hủ tục (như quần hôn, ám ảnh ma tà, vận động dân đập bỏ bàn đèn thuốc phiện) để biến một vùng đất tăm tối lạc ngày càng càng tiến bộ... Ngày ấy, tất cả các thầy cô đều rất trẻ, có người mới tuổi đôi mươi lần đầu xa nhà, xa người thân, lỗi hẹn với người thương, lên miền Tây Bắc làm nhiệm vụ trồng người, cuộc hành trình “gieo chữ” rất nhiều gian nan nhưng tất cả thầy cô đều quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa đến các vùng miền, tới cả những vùng dẻo cao xa xôi nhất.

        Đến với phần chia sẻ của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Song Bình-Nguyên Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1993-1998, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Điện Biên, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh Điện Biên cho quý vị, thầy cô và học sinh thấy được một thời trường dạy và học theo chương trình  triển khai thí điểm đại trà chương trìnhPTTH chuyên ban trong cả nước, gắn với lần đổi tên Trường Phổ thông trung học Chuyên ban. Từ trong những năm tháng ấy, nhà trường luôn là trường trọng điểm, dẫn đầu trong các phong trào giáo dục của tỉnh Lai Châu. 

3

Giao lưu các thế hệ thầy trò

        Anh Phạm Đức Hiển - Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, trưởng ban liên lạc cựu học sinh nhà trường để lại ấn tượng về một cựu học sinh tiêu biểu. Từ mái trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ có nhiều anh chị là cựu học sinh đã trưởng thành, là cán bộ lãnh đạo các cấp. Nhiều anh chị của trường trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học, là cán bộ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước. Rất nhiều người giữ các trọng trách trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ mọi miền của tổ quốc, những thế hệ học sinh vẫn luôn hướng về mái trường THPT Thành phố thân yêu. Anh Phạm Đức Hiển là sợi dây kết nối bền chặt giữa các thế hệ cựu học sinh với nhà trường, là tấm gương để các thế hệ học sinh noi theo.

        Hoạt cảnh “Một thời hoa lửa” cuốn tất cả mọi người về “những năm tháng không thể nào quên” của trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ. Ngày 10/4/1967, giặc Mỹ rải bom xuống khu vực đóng quân của bộ phận điểm trường cấp 2 ở Púng Họ. Thầy Đỗ Đức Bản, cô Nguyễn Thị Hiền đã hy sinh; thầy Hoàng Xuân Chi (phó hiệu trưởng nhà trường) bất chấp nguy hiểm lao lên đánh kẻng báo động cho các giáo viên và học sinh và nhân dân xuống hầm trú ẩn, thầy cũng đã bị thương. Bom đạn không làm gì được học trò nhưng đã lấy đi tính mạng và một phần thân thể của những thầy cô chúng ta hằng kính trọng. Xúc động biết bao khi thầy cô hy sinh tính mạng của mình để bảo toàn tính mạng cho học trò...

Lửa trại tỏa sáng bập bùng, nhạc đã nổi cuốn lòng người rộn ràng, hòa mình vào những điệu xòe đoàn kết và nghĩa tình... Vòng xòe ấm áp như kết nối quá khứ và hiện tại, hướng đến tương lai. 

2

Vòng xòe đoàn kết

        Tiếp nối truyền thống vẻ vang 57 năm xây dựng và phát triển của nhà trường, với ban giám hiệu trẻ, nhiệt huyết, đổi mới, dám đương đầu với thách thức; đội ngũ giáo viên, nhân viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ hết lòng vì sự nghiệp chung; cùng sự hợp tác chặt chẽ có hiệu quả của cha mẹ học sinh toàn trường, trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đoàn kết, nhất trí thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xây dựng một nền giáo dục phổ thông vừa dạy kiến thức vừa rèn kỹ năng sống cho học sinh. Góp phần cùng ngành giáo dục thực hiện thật tốt sứ mệnh: nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn lực con người có chất lượng cao cho tỉnh và đất nước.

Đào Thị Lý - Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ

Đọc 4806 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ hai, 02 Tháng 12 2019 20:25
1st