19 Tháng 3 2024

Cách làm một bài văn nghị luận đạt điểm tối đa

Đánh giá mục này
(52 bỏ phiếu)

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo Dục và Đào tạo luôn thực hiện ra đề thi Đại học và thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở để đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh. Điều này tạo điều kiện để nhiều học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình cho sinh động và hấp dẫn người đọc. Nhiều bài viết được đánh giá cao khi nó đã thể hiện được cái tôi của người viết, quan điểm nhân sinh quan về cuộc sống đời thường, về cách nhìn nhận của giới trẻ trong cách ứng xử và thể hiện quan niệm sống. Cách ra đề này góp phần giảm tình trạng học vẹt, học tủ của nhiều học sinh hiện nay.

Theo cấu trúc đó, một bài văn Nghị luận xã hội thường chiếm 3 điểm trong tổng số 10 điểm của bài làm môn Ngữ văn dù là trong kì thi Đại học hay thi Tốt nghiệp. Tuy dung lượng phần này không lớn nhưng nó cũng góp phần không nhỏ tạo nên điểm số cao cho nhiều bài thi, vì vậy nhiều bạn xem đây là phần “gỡ điểm”.  Để  các bạn học sinh có cách học tập hiệu quả hơn với môn Ngữ văn đặc biệt là phần Nghị luận xã hội, dưới đây là những chia sẻ về cách học và làm dạng bài này.

Thứ nhất, cần xác định được dạng bài Nghị luận phù hợp.

Dạng đề Nghi luận xã hội được chia làm 2 nhóm đề chính là Nghị luận về một Tư tưởng đạo lý và Nghị luận về một hiện tượng xã hội. Vì vậy, trước khi tiến hành lập dàn ý chung cho bài làm, học sinh cần xác định đề bài thuộc loại nào để có định hướng chung cho bài viết.

Thông thường, Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý đề cập tới những vấn đề liên quan tới đạo đức làm người, quan niệm về một lối sống, một ý kiến bàn về quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc (Tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sống đẹp, nhân nghĩa trong đạo làm người…). Việc xác định đề là điều kiện quan trọng để giúp bạn hình dung được toàn bộ hướng đi của bài viết, tránh được lỗi sai làm lạc đề thường mắc phải của nhiều bạn học sinh khi làm. Dấu hiệu để nhận dạng nhất của loại đề này đó là nó thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học… Các bạn cần nhanh ý nhận ra những điểm khác biệt này để có thể xác định đúng dạng bài cần làm.

Đối với dạng đề Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cũng không cần quá lo lắng, dạng đề này khá phổ biến và nó cũng được đề cập tới nhiều trong cuộc sống hằng ngày như: gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, thanh niên và quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng…Có thể nói đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận trong những mùa thi. Để làm được dạng bài này đạt kết quả cao, nó đòi hỏi học sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về thực tế xã hội, như vậy, bài văn viết ra sẽ chân thật, có sức lôi cuốn thực tế.

 

- Thứ hai, bài viết phải đảm bảo đúng bố cục.

Dù bài văn thuộc bất cứ dạng đề nào trong hai loại trên đây thì nó vẫn phải đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần là Mở bài (Đặt vấn đề), Thân bài (Giải quyết vấn đề) và Kết luận (Kết thúc vấn đề).

Việc duy trì bố cục này sẽ giúp bạn đảm bảo được về mặt hình thức cho bài viết của mình. Trong trường hợp khi hết giờ làm bài mà bạn vẫn chưa giải quyết xong phần thân bài thì bạn cũng nên nhanh chóng chuyển sang làm phần kết bài để tránh tình trạng thiếu về bố cục bài viết của mình.

Phần Mở bài: Cần trình bày được vấn đề đặt ra trong bài làm (nội dung đề bài) để người đọc có thể biết được bài làm của bạn đề cập tới nội dung chính nào, tránh tình trạng mở bài dài nhưng không đúng chủ đề hay làm lạc đề. Cần có phần dẫn dắt nhất định để đi vào bài một cách tự nhiên, tránh gò bó, gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Theo đánh giá chung, mở bài sáng tạo, tự nhiên thường được đánh giá cao và gây ấn tượng đầu tiên đối với người chấm  bài.

Phần Thân bài: Được xem như phần làm chính, phần xương sống của cả bài viết bởi nó làm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính của đề bài đặt ra. Phần này thường trả lời cho các câu hỏi: Vấn đề đó nghĩa là gì? Vấn đề là đúng hay sai, tại sao? Trong thực tế cuộc sống, nó diễn ra phổ biến như thế nào? Cần làm gì để phát huy những mặt tốt và hạn chế những tiêu cực (nếu là mặt xấu) đó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì và làm như thế nào để góp phần hiện thực hóa nó vào trong thực tế? Đây là những yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của bài dạng Nghị luận xã hội.

Đối với dạng văn Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cần có những ví dụ thực tế, liên hệ thực tiễn và có số liệu chứng minh (nếu cần) để bài viết thêm sinh động hơn.

Phần Kết bài: tuy ngắn nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng vì nó khép lại vấn đề mà cả bài viết bài đang đề cập tới và mở rộng ra những ý kiến cá nhân nhằm làm người đọc có những liên tưởng rõ hơn về cả bài viết của bạn.

Thứ ba, cần có những nhận xét, đánh giá của bản thân và mở rộng vấn đề.

Tuy điều này không được nhiều bạn chú ý tới nhưng nó lại là tiêu chí quan trọng để thầy cô xem xét về hiểu biết của bạn đối với thực tế cuộc sống. Nhưng phần này cũng không nên quá dài dòng vì nó cũng có thể khiến bạn làm sai đề, lạc hướng mà cần viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Để làm tốt phần này, cách tốt nhất dành cho bạn đó là bạn nên tham khảo nhiều sách, báo, tạp chí hay các phương tiện truyền thông, thực tế cuộc sống để dễ lấy ví dụ nhất (Chẳng hạn về vấn đề tai nạn giao thông hay chuyện sống thử của giới trẻ hiện nay…). Bạn có thể trích dẫn thơ hoặc các ý kiến đánh giá có cơ sở để làm bài viết của mình sinh động hơn.

Điều quan trọng dành cho bạn đó là bạn nên làm nhiều đề để luyện khả năng viết mạch lạc, chính xác và nâng cao việc nhận dạng đề và lập dàn ý cho mình. Sau khi viết cần kiểm tra lại cả bài làm để tránh những sai sót không đáng có gây mất điểm.

Trên đây là một số chia sẻ giúp bạn có những tham khảo, bổ sung vào kỹ năng học tập của mình phục vụ cho kỳ thi Tốt nghiệp và thi vào Đại học sắp tới môn Ngữ văn.

Dưới đây là một bài văn mẫu của cô giáo Trịnh Thị Thanh Tâm cô giáo dạy văn trường THPT TP Điện Biên Phủ gửi tới các em cùng tham khảo.

 

Các thầy, cô giáo Tổ Ngữ văn Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ

Năm học 2012-2013

 BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận bàn về Tinh thần trách nhiệmThói vô trách nhiệm của con người trong xã hội.

 

BÀI LÀM

 

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

……..

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời…”

 Không hiểu sao mỗi lần đọc những câu thơ này của Xuân Diệu tôi lại thấy day dứt khôn nguôi. Thời gian không ngừng chảy trôi con người ta xuất hiện một lần trong đời rồi lại ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Trong cái ngắn ngủi của tuổi xuân cái hữu hạn mỏng manh của đời người, đã bao giờ bạn tự hỏi. Ta sống hay đang tồn tại? Ta sống có trách nhiệm hay vô trách nhiệm với cuộc đời này? Và khi trả lời được câu hỏi đó thì cũng có nghĩa là bạn đã chọn được cho mình một cuộc sống đẹp, có ý nghĩa.

 

Chúng ta đều biết tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm thuộc phạm trù đạo đức, chúng đối lập nhau, thể hiện cách sống, lối sống của mỗi người trong mối quan hệ với cộng đồng. Nếu tinh thần trách nhiệm là ý thức và nỗ lực hoàn thành tốt những phận sự của mình đối với gia đình, xã hội thì thói vô trách nhiệm lại là ý thức và hành động không làm tròn phận sự của mình đối với xã hội, gia đình và bản thân gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tinh thần trách nhiệm được biểu hiện cụ thể, sống động trong ba mối quan hệ cơ bản. Trước hết là trách nhiệm của cá nhân với gia đình. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm con…trong gia đình. Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái thành công dân tốt, con cháu phải có hiếu kính trọng ông, bà, cha, mẹ. mỗi cá nhân phải biết yêu thương, sẻ chia gắng sức xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là trách nhiệm của cá nhân với xã hội: phải làm tròn trách nhiệm của công đân với đất nước, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, phải biết đặt quyền lợi tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải biết cống hiến, hi sinh…Đó là trách nhiệm của cá nhân với bản thân, thực hiện các hành vi của mình theo các chuẩn mực xã hội, có lối sống lành mạnh, không ngừng phấn đấu học hỏi rèn luyện bản thân.      Trong cuộc sống đã có biết bao tấm gương được người người ngưỡng mộ vì cách sống đầy tinh thần trách nhiệm với đời. Cảm ơn những người nổi tiếng trên thế giới như Các Mác, Ăng Ghen, Ê Đi Sơn, Niu Tơn, Đác Uyn …vì nhờ có họ mà thế giới này không chìm trong bóng tối của bất công và lạc hậu. Ta khâm phục biết máy hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu lặng lẽ nghiên cứu toán học để chứng minh “Bồ đề cơ bản chương trình Lang lands” bồ đề cơ bản đã tồn tại hơn 30 năm mà chưa ai có thể chứng minh được. Sự cống hiến không mệt mỏi ấy đã đưa giáo sư tới thềm vinh quang, đạt được giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới. Ta cảm phục biết bao trước Mik Vujicic “người không chân không tay” đã truyền cảm hứng sống, nghị lực sống cho triệu triệu người trên thế giới với câu nói nỏi tiếng “Tôi không có tay để chạm vào người khác nhưng trái tim tôi có thể chạm vào người tôi yêu”. Đó quả là những con người sống thật đáng sống!

Như vậy tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất cao đẹp, là thước đo giá trị con người, là cơ sở để xây dựng hạnh phúc. Đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần tạo nên quan hệ xã hội tốt đẹp thúc đẩy sự tiến bộ. Tinh thần trách nhiệm là biểu hiện của lối sống đẹp rất đáng ca ngợi!

Nhưng cũng thật đáng sợ biết bao trước thực tế trong xã hội đó là không ít người đánh mất hai từ “trách nhiệm” Phải chăng vì lối sống vị kỉ chạy theo vòng xoáy của đồng tiền, của danh lợi mà họ đã đánh mất mình, trở thành cái bóng lay lắt trên dòng thời gian. Vô trách nhiệm là không dành tình thương trách nhiệm cho gia đình, không làm tròn những bổn phận của mình trong gia đình. Vô trách nhiệm là sống ích kỉ, bàng quan, chỉ ‘nhận’ mà không biết “cho”, không có ý thức dựng xây một xã hội phồn vinh. Vô trách nhiệm còn là nghiêm khắc với bản thân, sống hoài, sống phí, buông thả theo những cám dỗ cuộc sống. Trong gia dình một người chồng thiếu tinh thần trách nhiệm thì chác chắn gia đình ấy không hạnh phúc. Ngoài xã hội nhiều người vô trách nhiệm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ai là người đứng sau vụ việc xả nước thải ra sông Thị Vải ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân? Ai là người có trách nhiệm với sự “ồn ào” của VinaSinh? Vì sự tắc trách, vô trách nhiệm của bác sĩ đã dẫn đến cái chết đau thương tức tưởi của bốn sản phụ ở Quảng Ngãi? Đó phải chăng là : “Những điều trông thây mà đau đớn lòng” sao?

Những con người ấy lành lặn về thể xác nhưng lại có “trái tim tật nguyền”.

Bởi thế cho nên, thói vô trách nhiệm chính là một biểu hiện của lối sống phi đạo đức. Lối sống ấy làm băng hoại đạo đức con người, gây tổn hại hạnh phúc gia đình, gây tổn thất cho cộng đồng và kìm hãm sự phát triển của xã hội. Đúng là như một thứ axit vô hình, thói vô trách nhiệm của cá nhân có thể ăn mòn cả xã hội.  Đây là lối sống đáng lên án, phê phán.

Mỗi chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc rằng: Tinh thần trách nhiệm là thước đo phẩm giá con người. Từ đó mà không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bên cạnh đó cũng cần ý thức rõ tác hại của thói vô trách nhiệm trong cuộc sống. Đó cũng là thái độ sống có trách nhiệm của mọi người trong xã hội văn minh.

Hãy nhớ rằng, thói vô trách nhiệm ở đâu cũng là một điều đáng sợ “ Như một thứ “a xít” vô hình, thói vô trách nhiệm của cá nhân có thể “ăn mòn” cả một xã hội. Đừng để thứ a xít đó ăn mòn chúng ta, biến chúng ta thành “đời thừa”, “ sống mòn” trong cuộc đời này bởi : “Con người ta sinh ra trên đời không phải để là hạt cát vô danh tan biến vào cõi hư vô. Người ta sinh ra là để in dấu trên mặt đất và in dấu trong trái tim mỗi người” (Xu – khôm – lin – xki).

 

Chúc các em thành công!

 Nguyễn Nga – Giáo viên Ngữ văn

Đọc 45022 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ bảy, 07 Tháng 12 2013 22:43
1st