Helix
Joomla! Templates Framework
Khi nhìn vào các hoạt động sôi nổi trong học tập cũng như phong trào của các em học sinh trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng các em được sinh ra trong những gia đình có điều kiện, được bố mẹ chăm sóc chu đáo. Nhưng không, ở đó vẫn có những học trò có những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí các em không có cơ hội được bao bọc bởi vòng tay ấm áp của người cha yêu dấu hay người mẹ dịu hiền. Tuy nhiên trước những khó khăn, thiệt thòi như vậy, các em vẫn không chùn bước mà luôn vượt khó vươn lên để đạt được những kết quả cao trong học tập. Một trong những gương điển hình như vậy là em Đinh Danh Tùng - học sinh lớp 12C3.
Một góc học tập của Tùng ở nhà
Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, em Đinh Danh Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tùng mồ côi cha, hiện em đang ở cùng với mẹ và em gái trong một ngôi nhà cấp 4 tại đội 11, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Tuy không được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cả cha và mẹ như bạn bè nhưng Tùng luôn rất ngoan ngoãn, hiếu thảo, không bao giờ làm gì để mẹ buồn lòng. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Tùng không lấy đó làm mặc cảm mà càng tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực phấn đấu.
Với bản tính chăm chỉ và tinh thần vượt khó; Sự động viên, giúp đỡ kịp thời của các thầy cô giáo, nhà trường Tùng không ngừng cố gắng. Em là một người con hiếu thuận, một người anh mẫu mực, một học sinh chăm ngoan, xuất sắc. Không chỉ chuyên cần học tập, ở trường Tùng còn tham gia tích cực các phong trào do lớp, trường phát động. Ở nhà, Tùng là một đứa con ngoan, hiếu thảo. Biết gia đình làm nông nghiệp vất vả, tranh thủ ngày nghỉ, Tùng đều phụ giúp mẹ làm các việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, quét dọn, phụ giúp mẹ những công việc ngoài đồng ruộng.
Chia sẻ với chúng tôi, Tùng không giấu được cảm xúc. Em cho biết, hồi nhỏ nhiều đêm mẹ nằm ôm hai anh em Tùng vào lòng mà khóc vì buồn thương cho cảnh ngộ của mình. Nói về động lực giúp bản thân luôn đạt được những thành tích cao trong học tập, Tùng cho biết luôn nỗ lực hết sức để mẹ bớt khổ, để sau này có thể đỡ đần, bù đắp cho những vất vả mà mẹ đã trải qua. Hành trình đến trường của Tùng không phải chỉ có sự nỗ lực của riêng em, mà còn có sự đồng hành của người mẹ tần tảo. Trong những năm qua, người phụ nữ ấy vừa làm cha vừa làm mẹ. Vừa là một nông dân quần quật dưới đồng ruộng, vừa vất vả ngược, xuôi buôn bán đủ thứ, chắt chiu từng đồng để 2 anh em Tùng không phải dang dở chuyện học hành. Thương mẹ, cả hai anh em chỉ biết bảo nhau cố gắng học vì chỉ như vậy mới tìm được nụ cười trên gương mặt mẹ.
Từ khi học tiểu học đến THCS, năm nào em cũng nhận được danh hiệu Học sinh giỏi xuất sắc, năm học lớp 8 em nhận được học bổng Vừ A Dính và được Hội đồng Đội tỉnh Điện Biên tăng giấy khen. Bước sang một cấp học mới THPT song em vẫn luôn cố gắng học tập và đạt được nhiều thành tích tốt.
Để động viên em, mỗi lần cô, trò có dịp gần nhau tôi thường nói với em về câu ngạn ngữ của người Nam Phi: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.” Chẳng bao lâu nữa em sẽ học xong lớp 12 và chuẩn bị bước tiếp cho một hành trình mới trong cuộc đời. Câu nói của Tùng về dự định trong thời gian tới “Em sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt chương trình THPT để phấn đấu có một nghề nghiệp vững vàng rồi đi làm giúp mẹ nuôi em gái.” Một dự định thật giản đơn, nhưng tôi hiểu vì sao em chỉ mơ ước có bấy nhiêu thôi. Tin rằng, bằng nghị lực bền bỉ cùng với sự quan tâm của thầy cô, bạn bè và cộng đồng xã hội, đó sẽ là nền tảng vững chắc giúp em vượt qua khó khăn để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình./.
Trần Thị Hòa tổ Hóa Sinh
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học và kế hoạch đón Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014; Với tinh thần động viên, khích lệ những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn những đã cố gắng vươn lên học tốt đồng thời với mong muốn đồng hành cùng các em và gia đình nhân dịp xuân Giáp Ngọ. Ngày 24 tháng 01 năm 2014 trường THPT TP Điện Biên Phủ tổ chức chương trình trao tặng quà tết cho các học sinh nghèo vượt khó học tốt.
Về dự với chương trình trao quà Tết nói trên có sự hiện diện của thầy giáo ThS Tô Thanh Lâm – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường. Ngoài ra còn có các thầy cô giáo trong Đảng ủy, Ban giám hiệu, đại diện các thầy cô giáo và học sinh nhà trường cũng về dự.
Nhà trường đã tổ chức trao 28 suất quà Tết cho các em học sinh (mỗi suất 500.000đ). Đây là món quà mang giá trị tinh thần sâu sắc, chắc hẳn gia đình và các em học sinh được nhận quà hôm nay sẽ cảm thấy thật sự ấm lòng và phấn khởi trong dịp năm mới, các em học sinh sẽ có thêm nghị lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa và giành được nhiều thành tích cao trong học tập.
Một vài hình ảnh của chương trình trao tặng quà tết
DANH SÁCH ĐƯỢC NHẬN QUÀ TẾT
"HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ HỌC TỐT" NĂM HỌC 2013-20114
(Kèm theo Quyết định số 30/QĐ – THPTTPĐBP, ngày 22 tháng 01 năm 2014)
STT |
HỌ VÀ TÊN |
LỚP |
SỐ TIỀN |
1 |
Nguyễn Thị Thu Hiền |
12B4 |
500.000 |
2 |
Ngô Việt Hưng |
11B8 |
500.000 |
3 |
Cao Thị Ngát |
11B3 |
500.000 |
4 |
Nguyễn Thị Phương Thảo |
11B1 |
500.000 |
5 |
Trần Thái Bảo |
11B3 |
500.000 |
6 |
Bùi Thị Dung |
10B2 |
500.000 |
7 |
Nguyễn Thị Hà |
10B10 |
500.000 |
8 |
Lò Thị Phương Thảo |
12B9 |
500.000 |
9 |
Trịnh Thị Việt Ngân |
12B6 |
500.000 |
10 |
Lò Thị Hoa |
11B1 |
500.000 |
11 |
Lò Thị Cúc |
10B5 |
500.000 |
12 |
Lò Thúy Linh |
11B4 |
500.000 |
13 |
Quàng Thị Niềm |
11B4 |
500.000 |
14 |
Trần Hà My |
12A2 |
500.000 |
15 |
Nông Văn Nam |
12C1 |
500.000 |
16 |
Phạm Thị Oanh |
12C1 |
500.000 |
17 |
Lò Thị Oanh |
12C1 |
500.000 |
18 |
Lò Văn Nam |
12C1 |
500.000 |
19 |
Phạm Thị Vân Anh |
12A2 |
500.000 |
20 |
Đinh Nhật Lệ |
10B4 |
500.000 |
21 |
Phùng Quốc Đức |
10B5 |
500.000 |
22 |
Huỳnh Phúc Trường |
11B6 |
500.000 |
23 |
Lò Thị Tươi |
11A1 |
500.000 |
24 |
Chu Thị Bích |
12C1 |
500.000 |
25 |
Phạm Văn Duy |
12B9 |
500.000 |
26 |
Trần Thị Hạnh |
11B1 |
500.000 |
27 |
Trần Thái Hà |
11B1 |
500.000 |
28 |
Nguyễn Kiều Anh |
11B8 |
500.000 |
Đặng Thành Huy - Bí thư Đoàn trường
Hẳn bạn sẽ tròn xoe mắt với những thành tích “khủng” của lớp 12A1 khóa (2010 – 2013) trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ. Lớp có 37 thành viên, cho đến thời điểm hiện tại cả lớp đã có 29 bạn đỗ Đại học khối A, B nguyện vọng 1 (chiếm 78,4%). Trong đó, có 5 bạn đỗ hai trường Đại học như bạn Phạm Thùy Duyên (ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH mở Hà Nội); Trần Thị Yến Trang (ĐH Luật Hà Nội và ĐH Lâm nghiệp); Vũ Thị Tố Uyên (ĐH GTVT và ĐH Lâm nghiệp); Lê Văn Vượng (ĐH Công nghiệp HN và ĐH Lâm nghiệp); Nguyễn Thị Thanh Xuân (ĐH điều dưỡng Nam Định và ĐH Nông nghiệp HN).
Ngoài ra còn có những bạn có số điểm đỗ cao nhất trường THPT TP Điện Biên Phủ như bạn Đào Văn Bình đỗ ĐH xây dựng HN và bạn Nguyễn Bảo Lâm đỗ Học viện Tài chính, cả hai bạn đều đạt 8,75 điểm môn Hóa. Bạn Nguyễn Chí Dũng được 8,75 điểm môn Toán (đỗ ĐH Thương mại); bạn Nguyễn Văn Thiệu được 7,5 điểm môn Lý (đỗ ĐH Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh);
Theo chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Kim Oanh: đây là những học sinh có học lực rất tốt; những điểm vừa kể trên chưa thể nói hết được thành tích học tập của các em. Bởi trong các kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh từ năm lớp 10 đến lớp 12 các em này đã giành được rất nhiều giải cao trong các đội tuyển học sinh giỏi môn Toán, Lý, Hóa.
Trong 4 gương mặt có điểm thi cao nhất trường THPT TP Điện Biên Phủ, nếu xét theokhối A với môn Toán, thì bạn Nguyễn Chí Dũng xếp vị trí thứ nhất.
Khác với hình dung của nhiều bạn khi nhìn thấy Nguyễn Chí Dũng chẳng ai nghĩ đây là dân chuyên Toán, bởi bề ngoài Dũng giống với hình ảnh của một vận động viên Su-mô nhiều hơn. Song khi nghe đến những thành tích của Dũng hẳn nhiều người lại phải “kiêng nể” hơn nữa: đạt giải Khuyến khích HSG môn Toán lớp 10, lớp 11; giải Nhì HSG môn Toán lớp 12; giải Ba HSG máy tính cầm tay môn Toán lớp 11; giải Nhì HSG máy tính cầm tay môn Toán lớp 12.
Với điều kiện gia đình thuận lợi: Dũng là con út trong gia đình chỉ có hai anh em. Anh trai của Dũng hiện cũng đang là sinh viên trường ĐH Thương mại Hà Nội, bố mẹ của Dũng làm doanh nghiệp. Đó là những điều kiện lí tưởng để Dũng thực hiện ước mơ trở thành một doanh nhân trong tương lai.
Nguyễn Bảo Lâm đỗ khoa Kế toán Kiểm toán của Học viện Tài chính với điểm thi 3 môn khá cao: Toán 7.75; Lý 7.5; Hóa 8.75. Bảo Lâm được sinh ra trong một gia đình hiếu học, bố mẹ là công chức Nhà nước, chị gái Lâm từng là học sinh trường THPT Thành phố ĐBP, hiện đã tốt nghiệp ĐH Y HN, đang theo học bác sĩ nội trú. Với dáng vẻ rất điển trai, cá tính, thậm chí có phần ngang ngạnh, bướng bỉnh. Lâm thú nhận: em từng gây cảm giác khó chịu cho nhiều thầy cô giáo bởi tính ương bướng của mình, nhưng bù lại Lâm lại thuyết phục được các thầy cô và các bạn bởi sự thông minh và những thành tích học tập tốt như giải Khuyến khích HSG giỏi môn Toán lớp 11, giải Ba HS môn Toán lớp 12.
Khác với hai bạn của mình, Nguyễn Văn Thiệu tân sinh viên của trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, gia đình ở tận Đồng Nai, Thiệu ra Điện Biên ở với bác. Sống xa gia đình, xa bố mẹ và anh trai (hiện đã tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), Thiệu đã rất nỗ lực, cố gắng học tập và phấn đấu trở thành học sinh giỏi Lý từ lớp 10 đến lớp 12 với bề dày thành tích: giải Ba HSG môn Lý lớp 10; giải Nhì HSG môn Lý lớp 11 và lớp 12; giải Ba HSG máy tính cầm tay môn Lý lớp 11; giải Nhì HSG máy tính cầm tay môn Lý lớp 12. Thiệu tâm sự: vì điều kiện gia đình nên em phải ra ở với bác ở Điện Biên, sống xa nhà, xa bố mẹ, dù là con trai nhưng nhiều khi em vẫn nhớ nhà lắm, những lúc đó em chỉ còn biết lao vào học để đỡ nhớ bố mẹ và anh trai thôi. Với sự cố gắng và quyết tâm thi đậu trường ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh để được ở gần gia đình. Đến nay ước mơ của em đã thực hiện được rồi, em cảm thấy rất hạnh phúc, sung sướng, vì đã không phụ công nuôi dưỡng của hai bác, người đã thay cha mẹ chăm sóc em suốt những năm qua. Song xa Điện Biên rồi em lại thấy nhớ mảnh đất này lắm, không biết khi nào em sẽ được quay lại thăm trường mình, thăm thầy cô, thăm đồi A1, thăm hầm Đại tướng… Điện Biên trong em sẽ là nỗi nhớ khôn nguôi.
Người bạn thứ 4 trong danh sách những học sinh có điểm ĐH cao nhất trường THPT TP ĐBP là bạn Đào Văn Bình đỗ ĐH Xây dựng Hà Nội với điểm thi môn Hóa là 8,75. Nhà của Bình ở mãi tận xã Thanh An, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Nhưng với quyết tâm ngay từ khi thi đỗ vào trường THPT TP ĐBP, Bình đã rất chăm chỉ học tập và kết quả là Bình đã có mặt trong đội tuyển HSG môn Hóa ngay từ lớp 10 cho đến tận lớp 12 và đều đạt giải rất cao trong các kì thi học sinh giỏi Tỉnh môn Hóa:giải Nhì văn hóa và giải Ba HSG máy tính cầm tay môn Hóa lớp 12. Bình tâm sự: ước mơ sau này của em là trở thành một kỹ sư xây dựng giỏi. Những khi học căng thẳng đầu óc em thường tìm đến với môn cầu lông để giảm stress. Theo lời kể của bạn bè, Bình là người rất ôn hòa, tốt tính, được các bạn quý mến.
Mỗi thành viên, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng các bạn ấy đều đã kết thúc thời phổ thông của mình với những kỷ niệm thật đẹp, với những thành tích đáng trân trọng và cả những khoảnh khắc đáng nhớ của thời học trò “Nhất quỷ nhì ma”. Trước mắt các bạn là những con đường rộng mở thênh thang, nâng những bàn chân hôm nay còn bỡ ngỡ, nhưng ngày mai sẽ đi đến mọi chân trời.
Chúc các bạn tiếp tục gặt hái những thành công trong tương lai./.
Nguyễn Hạnh – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ
Với dáng người nhanh nhẹn, dong dỏng cao, Nguyễn Thái Hà để lại trong lòng thầy cô và các bạn đồng lứa là cậu học trò có ánh mắt đượm buồn, luôn ưu tư. Khi biết mình được nhà trường xét chọn đề nghị trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2011 em băn khoăn “Cô ơi, em biết viết gì bây giờ?” Tôi hướng dẫn “Hãy viết những gì thật nhất về hoàn cảnh của mình em nhé”. Và thật bất ngờ trước hoàn cảnh đầy éo le mà em viết trong thư đề đạt nguyện vọng: Bố mất, mẹ bỏ đi mất tích.
Cô giáo chủ nhiệm Trịnh Thị Thu Hường và học sinh Nguyễn Thái Hà 12A2
Lứa tuổi học trò hồn nhiên mà em đã phải trữu nặng ưu tư với bao buồn tủi, tôi không thể cầm lòng khi đọc dòng tâm sự của em: “Vào đầu mỗi năm học, mỗi khi Tết đến xuân về, nhìn cả gia đình các bạn đi chúc tết, nhìn mẹ bạn đi mua sách vở cho con, lo lắng cho con, em lại ngậm ngùi cố che đi khoảng trống không thể lấp đầy trong trái tim”
Điều đáng trân trọng là nghị lực vượt qua hoàn cảnh: sau nỗi đau mất cha, mẹ rời bỏ hai anh em đi biệt tích chưa đầy một năm sau, kết quả học kì I lớp 10 của em là Yếu, vậy mà em đã gượng dậy để phấn đấu không ngừng vượt qua mọi khó khăn về vật chất, tinh thần để nỗ lực học tập và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến ở hai năm học lớp 11, 12. Đặc biệt trong kì thi tuyển sinh Đại học - Cao Đẳng năm 2011 vừa qua em đã đỗ nguyện vọng 1 chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, trường Đại học Tây Bắc.
Thật đáng khâm phục! Liệu có mấy người đứng trước khó khăn có được suy nghĩ “Mình không thể gục ngã” như em, mấy ai trong khó khăn đã rất lạc quan, luôn băn khoăn, biết sẻ chia với nỗi đau của người khác, và có mấy ai ở lứa tuổi này đã ý thức rất rõ về vai trò, về sự đóng góp của mình đối với đất nước … Với cô, em chính là một nốt nhạc trầm đã cất lên những giai điệu da diết cháy lòng và đầy tự hào về ý chí, niềm tin.
Tự đáy lòng mình, cô xin chia sẻ với những mất mát của em. Chúc mừng em đã có những suy nghĩ rất “chín” ở lứa tuổi bắt đầu bước vào cuộc sống - tuổi 18 với bao hoài bão ước mơ. Cô tin rằng với nghị lực, với sức trẻ, sự quyết tâm em sẽ thành công. Trường THPT TP Điện Biên phủ tự hào vì có những học trò biết nỗ lực vươn lên mọi khó khăn như Nguyễn Thái Hà.
Hoàng Thị Hà- Giáo viên trường THPT TP ĐBP
Xem thêm...
“Quyết tâm cao ắt sẽ thành công”
Đó là lời tự nhủ, lời hứa quyết tâm của cậu học trò Nguyễn Văn Ly, học sinh lớp 12B2 năm học 2010-2011 trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, học sinh đã đạt điểm số cao nhất trong Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 vừa qua.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Kinh Môn – Hải Dương, Ly và em đã phải cố gắng rất nhiều để có thể cắp sách tới trường như bao trẻ em khác. Bố em bị ung thư não, ốm đau thường xuyên và đã mất năm 2010. Cậu học trò nghèo đó đã phải gạt nước mắt chia tay gia đình để lên Điện Biên ở với cô tại phường Thanh Bình - thành phố Điện Biên Phủ.
Được chuyển vào lớp 12B2, lớp do cô giáo Nguyễn Thị Minh làm chủ nhiệm, Ly nhanh chóng chiếm được niềm tin của bạn bè và thầy cô giáo. Luôn gương mẫu trong các hoạt động tập thể, hòa đồng và trung thực, Ly đã dần trở thành một phần không thể tách biệt của tập thể lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Minh tâm sự: “Ly là một học sinh có ý thức tổ chức kỷ luật rất tốt, tuy không phải là cán bộ lớp nhưng em được các em học sinh trong lớp rất tín nhiệm và tin tưởng. Và cũng chính sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Ly đã trở thành tấm gương sáng cho các bạn trong lớp noi theo. Tôi thực sự vui mừng vì đã có một cậu học trò như vậy. Cảm ơn em vì những đóng góp thầm lặng cho tập thể lớp 12B2. Cô chúc em luôn vững niềm tin vào tương lai phía trước.”
Bước vào học kỳ II năm học 2010-2011, các em học sinh bộn bề với bao bài vở, kế hoạch và dự định. Không ít em băn khoăn, lo lắng trước ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành. Ly cũng như các bạn, không khỏi âu lo trước những lựa chọn cho tương lai. Cũng đúng khi ấy, với sự tư vấn hợp lý của thầy cô, gia đình và bạn bè, em đã có lựa chọn mà bây giờ thực tế đã khẳng định là đúng đắn: đăng ký dự thi vào ngành Tài chính Ngân hàng của Học viện Tài chính. Hơn bao giờ hết, ý chí của Ly đã giúp em vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập. Em tự nhủ “Quyết tâm cao ắt sẽ thành công.”
Cô giáo Nguyễn Thị Minh và học sinh lớp 12B2 (Ly đeo kính, ngồi giữa)
Kết thúc năm học cuối cùng của bậc THPT với kết quả tốt nghiệp loại khá và điểm số tuyệt đối cho môn Toán, Nguyễn Văn Ly tập trung dốc toàn bộ sức lực cho việc ôn thi đại học. Với những kiến thức, kỹ năng được thầy cô truyền thu trong trường và quyết tâm cao, Ly đã thành công trên con đường của mình. Đạt 21,5 điểm (Toán 7,75; Lý 6,5 và Hóa 7,25), Ly đã trở thành học sinh có điểm số cao nhất của trường THPT thành phố trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011.
Vui mừng trước thành tích của em, thầy trò nhà trường mong em sẽ vững vàng trước mọi khó khăn để tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn. Chúng tôi tin tưởng rằng Ly và những học sinh của trường THPT thành phố Điện Biên Phủ thân yêu sẽ mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, khí thế Điện Biên Phủ anh hùng đến mọi miền của tổ quốc xây dựng tương lai tươi sáng cho bản thân, cho cộng đồng và toàn xã hội.
(Phí Sốp – PHT trường THPT thành phố ĐBP)
Kính thưa các thầy cô giáo!Thưa toàn thể các em học sinh!
Ai trong chúng ta ngồi đây hẳn đã hơn một lần được nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện bắt đầu bằng " Ngày xửa..... ngày xưa..." và ở trong đó có những bà tiên, ông bụt, có chú bé đi hài bảy dặm, quả thị thơm cô Tấm rất hiền.
Thưa thầy cô cùng toàn thể các em! Trong tư duy dân gian: Trời sinh ra muôn loài. Còn với một nhà thơ nữ: Sau trời là trẻ con. Trẻ con được sinh ra trước tiên. Trẻ được sinh ra như là khởi nguồn của tất cả. Sau chúng mới là sự sinh thành của tất cả những gì làm nên thế giới. " Trời sinh ra trước nhất.Chỉ toàn là trẻ con.Trên trái đất trụi trần Không dáng cây ngọn cỏ...."
Và thế giới, trong cách dẫn dắt của người kể cổ tích Xuân Quỳnh gồm một trật tự các sự vật xuất hiện theo một lôgic chặt chẽ bên trong: Do nhu cầu của trẻ con mà có, gồm mặt trời, rồi cây cỏ, chim muông, sông ngòi, biển mây, đường sá....
Rồi mới đến mẹ, vì trẻ em cần tình yêu và lời ru. Rồi đến bà, vì trẻ cần nghe chuyện. Sau bà mới đến bố, vì trẻ cần hiểu biết. Do nhu cầu hiểu biết mới sinh ra chữ, bàn ghế, thầy giáo, phấn bảng. Từ bảng mà có lớp học. Và ở buổi học đầu tiên:
Thầy viết chữ thật to
" Chuyện loài người" trước nhất
Nói tất cả những điều trên - Tôi muốn các em hiểu: chúng ta dù ở bất cứ một lứa tuổi nào, một địa vị nào, ở bất cứ một hoàn cảnh nào chúng ta cũng là Con người. Nhà văn lớn người Nga Maxim Gorki đã từng nói: " Tất cả trong con người. tất cả vì con người... Con người! Tiếng ấy thật tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao".
Vâng! Đã là Con người - Chúng ta đều có cảm xúc: Biết yêu và biết ghét, biết phân biệt đúng- sai, phải - trái. Biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Biết định hướng trước cuộc đời và nhận ra chân giá trị của cuộc sống. Bởi trong mỗi chúng ta ai cũng có một Thang nhu cầu định sẵn Vậy Thang nhu cầu là gì? Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
- Nhu cầu cơ bản
- Nhu cầu về an toàn
- Nhu cầu về xã hội
- Nhu cầu được quý trọng
- Nhu cầu được thể hiện mình
Mỗi chúng ta cũng đều thấy ở bản thân mình có những nhu cầu như: ăn, uống, ngủ,không khí để thở, các nhu cầu làm cho con người thoải mái.... Đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Maslow cho rằng: những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được. Ông bà ta xưa cũng sớm nhận ra được điều này khi cho rằng: " Có thực mới vực được đạo" cần phải được ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản để có thể hành động, vươn tới nhu cầu cao hơn. Chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng điều này khi cơ thể chúng ta không khỏe mạnh, đói khát hoặc bệnh tật lúc ấy các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu. Nếu chúng ta không được ngủ đầy đủ, không được thoải mái về mặt tinh thần thì bài giảng của các thầy cô sẽ như: " Nước đổ lá khoai" giống như Xuân Diệu từng nói.
Lòng tôi là một cơn mưa lũ
................................................
Lá xanh không ướt đến da ngoài.
* Nhu cầu về an toàn, an ninh
Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức là các nhu cầu này sẽ không còn điều khiển suy nghĩ hành động của họ nữa, họ sẽ làm gì tiếp theo? Khi đó nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Chúng ta mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Mong muốn sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, trong xã hội có pháp luật có nhà cửa để ở. Mong muốn trái đất không còn chiến tranh. Để loài người chung sống trong hòa bình, để đàn em được vui ca học hành, để ngàn cây lá hoa ươm mầm xanh bạn bè sống với nhau trong tình thân ái. Vậy các bạn trẻ nghĩ gì khi vẫn còn tình trạng bạo lực trong trường học, ngoài xã hội. Và nhu cầu an toàn, an ninh của con người nảy sinh bằng sự ra đời của các văn bản pháp luật, cụ thể đối với trường học đó là nội quy nhà trường.
Thưa thầy cô! Thưa toàn thể các em!
Có một câu chuyện đã đi vào lòng người như một miền cổ tích. Câu chuyện ấy kể về một cậu bé bị nhiễm chất độc mầu da cam. Từ bài văn" Viết về một người mà em quí trọng" của một cậu học trò trường Trung học cơ sở Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mà tôi biết em. Trong suy nghĩ trẻ thơ của cậu học sinh lớp 6 này thì em " tuy là người tàn tật nhưng vẫn làm được nhiều việc". Đơn giản vậy thôi. Còn em, mọi người đã quen gọi bằng một cái tên dễ nhớ là " *** Kẹo".
Ở PHỐ CÓ NGÔi ĐỀN THÀNH HOÀNG
Tám giờ tối, phố Hàng Buồm ngược xuôi người xe. Tiếng bát đũa lách cách báo hiệu những quan ăn bắt đầu hoạt động tấp nập từ tối đêm về sáng. *** Kẹo bắt đầu đi bán hàng rong, hòa vào dòng người mưu sinh đêm cực nhọc. Em bán báo, lạc rang, kẹo cao su....
Khuôn mặt em dễ thương, trắng trẻo nhưng em nói không được rõ, đôi chân gầy guộc không đủ mạnh để bước đi, đôi tay teo nhỏ không thể cầm được vật gì dù chỉ hơi nặng. Em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam.
Tên khai sinh của Kẹo là Nguyễn Mạnh Cường, sinh đúng ngày thương Binh liệt sỹ 27 -7-1988, tức là năm nay em đã 20 tuổi nhưng vì trông thân thể " nhỏ bé như cái kẹo" mà mọi người vẫn quen gọi em, vừa trìu mến vừa cảm thương là " *** Kẹo".
Ngày ngày em đi bán từ chập tối đến 4 -5 giờ sáng hôm sau,trên chiếc xe ba bánh lon bon dọc theo dãy phố cổ Hà Nội, từ Hàng Buồm (Nơi có nhà em) đến Mã Mây, Lương Ngọc Quyến... Suốt mấy năm nay, đêm là giờ em làm việc để tự nuôi bản thân và nuôi bố....
*** Kẹo bảo:" Em muốn được đi bán hàng thế này mãi bởi vì em là chỗ dựa duy nhất của bố". Kẹo đã mất mát quá nhiều, may sao em vẫn cười, cũng chưa bao giờ bị đau yếu hay ốm nặng - Bố em ngậm ngùi tâm sự với tôi như thế. Căn nhà cũ kỹ chỉ có hai bố con. Mẹ em đã bỏ đi ngay từ khi Kẹo còn bé.Kẹo không muốn nhắc tới mẹ, em không có kỉ niệm gì sâu đậm, hạnh phúc về mẹ. Nhưng người ta kể lại không biết từ năm nào, ngày 8/3 người mẹ bán vải ở phố Nguyễn Lương Bằng lại nhận được hoa của Kẹo nhờ người mang tới.
Bố Kẹo đã từng đi kháng chiến, bị nhiễm chất độc màu da cam, đã nghỉ mất sức từ lâu. Buồn cảnh đời, bố Kẹo từng chìm trong men rượu. Những lúc ấy Kẹo vô tình phải chịu những trận đòn roi hoặc bị bỏ đói.Nhưng giờ bố Kẹo đã tỉnh nhiều hơn. Bố nhờ người làm xe cút kít cho em, tối nào cũng bế em từ gác xuống xe, chuyển hàng cho em đi bán... Hôm nào cũng vậy, phố xá thức trọn đêm để phục vụ khách ăn uống còn em cũng lăn vòng xe trọn đêm kiếm sống từng ngày, vì người bố đau yếu triền miên. Người dân phố Hàng Buồm kể rằng cứ ngày rằm, mồng một lại thấy Kẹo đạp xe ra đền Bạch Mã - nơi thờ thần Long Đỗ được coi là thành hoàng của kinh thành Thăng Long - để cầu xin. Em nói em xin sức khỏe, may mắn bán được hàng. Kẹo không bước được lên bậc thang, phải nhờ người đi lễ dâng hương cho, thỉnh thoảng cũng có người nâng xe giúp Kẹo, bế cho Kẹo thắp hương.
Ở phố có rất nhiều người tốt với Kẹo, Kẹo như nhớ hết từng người. Ai ốm đau, *** Kẹo ghé hỏi thăm. Một cô bán hàng nước kể khi ở phố có đám ma, Kẹo đều đến đưa tang. Năm ngoái bà Lịch - người rất thương Kẹo - mất, Kẹo lăn xe theo đám tang bà. Người dân phố không kìm nén được xúc động khi chứng kiến cảnh đó. Nhiều người bảo "*** Kẹo" được sống trong tình thương của cả phố.
Kẹo khoe em có "người mẹ thứ hai" đó là bác Mai Lan ( nhà ở 41 Hàng Buồm). Ngày xưa khi bố kẹo còn say xỉn, nhiều khi Kẹo bị bỏ đói, chính bác Lan là người cho Kẹo ăn. Đêm giao thừa, "hai mẹ con" hòa vào dòng người đông vui trên phố cổ đi lễ đền Bạch Mã. Bác có một cái chõng nước nhỏ, ngày nào cũng ngồi bán hàng ở phố nên bác thường xuyên gặp Kẹo, đi lấy hàng giúp Kẹo. Bác bảo: " Kẹo nó có tình người và nghị lực vượt lên"
Đi bán hàng, sau mỗi đêm Kẹo được khoảng 20.000 đồng, nhiều người tỏ ý cho Kẹo tiền thừa, Kẹo không nhận. Có khi khách cố ý để lại 50.000 hoặc 100.000 đồng, Kẹo nhất định nhờ người trả giúp hoặc đạp xe theo gửi lại
Mọi người đều biết về một trong những lần "*** Kẹo" gặp khó khăn nhất. Đó là khi em bị bọn xấu giả mua hàng và cướp đi khi những đồng tiền nhỏ nhoi của em vừa bán được. Nhắc lại chuyện này, Kẹo cố diễn tả bằng lời cho tôi hiểu : "Em không biết làm gì để lấy lại tiền nhưng em biết mình phải cố đi bán hết hàng hôm đó. Bán mười ngày thì sẽ bù lại được số tiền đã mất…"
Kẹo nói không rõ câu, viết rất khó nhưng giờ Kẹo đang được học chữ. Có hai chị sinh viên tên Hương và Huệ tìm đến để giúp Kẹo để có niềm hy vọng học tập. Kẹo bảo: "Em biết chữ đấy, các chị ấy rất tốt!". Kẹo lại nói thêm, mà bố em phải nhắc lại cho tôi nghe rõ: "Nếu có sức khỏe em không sợ gì cả!". Tôi biết đó cũng chính là mơ ước lớn nhất của em - đứa trẻ mang nhiều bất hạnh nhưng vẫn biết sống vì người khác.
Nhiều dịp ngang qua phố cổ Hà Nội, tôi vẫn gặp Kẹo. Em vẫn thế, trắng trẻo, hồn nhiên và lấy công việc làm niềm vui. Khi cả nước dấy lên phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam thì trường hợp của Kẹo lại được chú ý đến nhiều hơn. Thế rồi người thân yêu của em là bố đã không còn nữa. Mẹ nuôi Kẹo bảo anh Kẹo (vốn là người nghiện ngập) về nhà cũ của bố con Kẹo ở. Cô Lan rất lo những khi Kẹo đi bán hàng, được đồng nào anh Kẹo lại lấy mất. "Gia tài" tuổi 20 của Kẹo là quá nhiều tình thương và nỗi buồn.
Vâng! Cậu bé đáng thương ấy là một minh chứng cụ thể nhất cho chúng ta thấy được bậc nhu cầu thứ 3( nhu cầu về xã hội) trong 5 thang nhu cầu của con người. Cậu bé ấy khát khao được tham gia vào xã hội bằng phẳng của loài người bằng việc cố gắng tìm cho mình một công việc lương thiện mặc dù bản thân do nhiễm chất độc màu da cam mà bị tật nguyền. Cậu bé ấy cũng khao khát tình yêu thương, khao khát một lần gọi mẹ - Bởi mẹ đã bỏ em đi từ rất sớm, khao khát được làm việc; được yêu thương, được sống trong một cộng đồng, được tham gia sinh hoạt tập thể - Đó chính là nhu cầu xã hội. Kinh nghiệm giáo dục cho thấy rằng phần lớn các em học sinh sống trong các gia đình hay bất hòa, vợ chồng lục đục, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như các em học sinh khác.
Có một nhà thơ đã viết như thế này:
"Có một điều chắc em không nhận ra
Ngực áo anh và bông hoa ngày cưới
Có một điều chắc em không đoán nổi
Bữa rước em về Anh qua lối hẹn xưa
Cô bé ấy ở đâu, cô bé ấy bây giờ…’’
Người con trai trong bài thơ ấy đã tự vấn lương tâm mình về lòng tự trọng. Đã là con người - Chúng ta ai cũng mong mình được người khác quý mến, nể trọng thông qua những thành quả công việc của mình làm và bản thân chúng ta ai cũng có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho chúng ta học tập tích cực hơn.
Chúng ta thường thấy trong công việc, hoặc chính trong việc học tập của bản thân mình, khi được khích lệ, hoặc tưởng thưởng về thành quả lao động cuả mình ta sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Kinh nghiệm bản thân còn ít ỏi nhưng cũng đủ cho tôi hiểu rằng: Nhu cầu được quý trọng là một trong những biện pháp tâm lý hoàn thiện nhân cách con người.
Nhà sư phạm lỗi lạc Makarenko trong suốt cuộc đời dạy dỗ trẻ em hư, khi được hỏi bí quyết nào để sửa trị các em, ông nói: " Tôi chỉ đúc kết trong một công thức ngắn gọn: Tôn trọng và yêu cầu cao". Bản chất tâm lý của con người ai cũng muốn được tôn trọng, chạm đến lòng tự trọng là chạm đến điều sâu và đau nhất, là điểm tử huyệt nhất của con người( cho dù đó là đứa trẻ khó dạy, chưa ngoan) . Chỉ tôn trọng mà không yêu cầu là không ổn. Khi được tôn trọng là đã làm cho con người ở đúng vị trí " Người" nhất của mình. Do vậy, cần có trách nhiệm buộc phải sống và hành xử đúng đắn với sự tôn trọng đó.
Cuối cùng Thang nhu cầu cao nhất của con người đó là nhu cầu được thể hiện mình. Khi nghe thấy cụm từ" Thể hiện mình" chúng ta hãy khoan vội gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. " Thể hiện mình" không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe loẹt, hút thuốc phì phèo, xả rác khắp nơi, ngang nhiên vượt đèn đỏ, tụ tập túm năm tụm ba cản trở giao thông, đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Nói một cách đơn giản " Thể hiện mình" chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để làm việc, đạt các thành quả trong lao động, là nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình sinh ra để làm( GV phân tích).Giúp bạn nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn cũng chính là thể hiện mình.Chìa tay ra cho người khác vịn để họ không cảm thấy cô độc trong cuộc đời đó là một cách thể hiện mình đáng được trân trọng.
Vâng! Thưa thầy cô và các em!
Trên đây tôi đã vừa trình bày 5 thang nhu cầu cơ bản của con người. Thật là khó khi chúng ta không định hình và thấu hiểu được những giá trị căn bản đó, những tôi tin rằng với quyết tâm cao, những lý thuyết cơ bản đó sẽ được vận dụng một cách linh hoạt trong đời sống của chúng ta. Đơn giản được gói gọn trong hai từ: DỄ VÀ KHÓ
Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình. Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình. Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình. Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng. Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ. Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại. Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, những khó là khi đứng dậy và đi tiếp. Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó. Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày. Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình. Dễ là khi để xảy ra sai lầm nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó. Dễ là khi buồn bực về một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất. Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động. Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin. Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho. Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.Nếu cơ hội mãi không gõ cửa bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã.