13 Tháng 11 2024
Chủ nhật, 21 Tháng 8 2022 08:06

TRƯỜNG CẤP III ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY - Nguyễn Viết Hoa

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

      Tôi cầm Quyết định phân công công tác về Trường cấp III Điện Biên ngày 14 tháng 10 năm 1975. Lên chuyến xe khách ngồi cạnh ông Bang cán bộ trường Cấp I Thanh Nưa, một người dễ gần và nhiệt tình. Ông giới thiệu về Điện Biên không khác dưới xuôi là mấy. Cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa của Tây Bắc, Thị trấn Điện Biên sầm uất, nhà cửa san sát, dân tình giàu có buôn bán đủ loại nhất là phố người Hoa, nghe rất háo hức. Khoảng 5 giờ chiều chiếc xe từ từ đỗ lại trên một bãi đất trống ngã ba đường Lai Châu – Điện Biên – Tuần Giáo cuốn theo một khối bụi nâu đỏ mịt mù. Ông Bang nói bến đấy, xuống thôi! Ông hướng dẫn tôi đi bộ tiếp hơn một kilomet nữa là đến trường cấp III rồi vẫy tay chào tạm biệt.  

     Trường vừa tách ra từ trường cấp II - III Điện Biên và được bố trí vào khu đất ngay chân đồi A1, đối diện trường PTTHTP bây giờ qua trục đường quốc lộ Hữu nghị - 12 (Điện Biên – Tây Trang). Cơ sở vật chất nhà trường ngày ấy thật nghèo nàn, đơn sơ. có thể mô tả gọn thế này:

  1. Nhà hội đồng nằm sâu và chính giữa khuôn viên, là công trình xây duy nhất quay mặt ra quốc lộ, được tiếp nhận từ kho muối cũ của Công ty Thương nghiệp. Mái lợp gianh, giữa nhà kê một bàn bóng bàn đóng bằng gỗ ván xẻ, sơn xanh; treo phía trên là chiếc bóng điện 75W (điện ĐB có từ 19 đến 22 giờ, thỉnh thoảng nó lại tối, sáng theo chu kỳ được gọi là điện thở); có bốn chiếc ghế gỗ dài kê hai bên dành cho cầu thủ và khán giả;

Đây cũng là nơi hội họp triển khai các công việc của nhà trường.

  1. Sau nhà hội đồng là nhà ở tập thể của cán bộ, giáo viên mỗi người một phòng 9m2, kê cái giường một, một bàn làm việc nhỏ; vợ chồng Thầy Lộc Nhũ được một căn nhà độc lập đối diện nhà tập thể qua mảnh vườn trồng sắn; tiếp là nhà bếp đồng thời là nhà ăn tập thể;
  2. Từ hai đầu hồi nhà hội đồng hắt sang hai phía kéo ra ngoài quốc lộ:

- Bên trái là nhà KTX cho học sinh ở xa;

- Bên phải là 03 lán lớp học; mỗi lán 2 phòng học. Học sinh toàn trường hơn 200 gồm 6 lớp: 01 lớp 10;  02 lớp 9 và 03 lớp 8. Trường chỉ học buổi sáng;

  1. Sân trường là mảnh đất được giới hạn bởi nhà hội đồng, nhà KTX, dãy lán lớp học và đường quốc lộ. Diện tích nhỏ thôi được sử dụng tổ chức các buổi lễ khai giảng, bế giảng, phát động các phong trào thi đua; tập quân sự, học môn thể dục, chào cờ mỗi sáng thứ hai hàng tuần; còn lại phần lớn dành cho các môn thể thao buổi chiều.

Hội đồng trường có 16 thầy cô, tôi về là 17 và 3 nhân viên hành chính, Thầy Hoàng Xuân Chi là Hiệu trưởng; có duy nhất một cô giáo là Phạm Thị Miêng, vừa xinh đẹp vừa dịu dàng – niềm kiêu hãnh của trường Điện Biên.

    Từ năm 1976 trở đi số cán bộ giáo viên trường ngày càng nhiều, từ các tỉnh dưới xuôi lên, từ học sinh từ trường cấp III ĐB tốt nghiệp các trường ĐHSP, hoặc từ các trường khác chuyển về cùng các thầy cô người dân tộc thiểu số như Thầy Triệu Yên Phú, Cô Chu Trà Me, Thầy Lý A Lầu…

      Về phân loại nhân chủng học, tôi được xếp vào nhóm dân tộc Khơ Mú gồm: Dũng Xá, Tâm Xá và Hoa Xá. Đầu tiên không hiểu cứ ngơ ngác, sau mới biết do mình có một làn da đẹp thời tiền sử.

     Là trường lớn nhất so với trường Tuần Giáo, Thị xã Lai Châu, Phong Thổ. Năm 1976 đi bồi dưỡng hè, giáo viên 4 trường ngồi chưa đầy một phòng học. Cả Ty Giáo dục biết nhau, ai là người mới tất cả biết hết.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI

       Chân ướt, chân ráo về trường tôi nhanh chóng trở thành ngỗng non, đối tượng cho các trò vui. Rất nhiều cú lừa ngoạn mục được sắp xếp có trình tự, có kế hoạch không thể biết và không thể tránh. Khi sập bẫy thì mọi sự đã rồi. Dư âm những cuộc như thế kéo dài nhiều năm trời, cứ gặp nhau là lại lôi ra, càng kể càng hấp dẫn như mới.

       Năm sau ông Trần Anh Tuấn lên thế thân, tôi được nâng cấp thành ngỗng bánh tẻ. Thực ra ông Tuấn không còn non nữa, bằng chứng là những ngày đầu ông thường hay đi xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm gần trường nhưng không biết mua gì. Khi đến lượt, cô Tún người Thái bán hàng chăm chú nhìn và hỏi đến tem phiếu, ông lẳng lặng quay xuống cuối hàng xếp tiếp. Cô Tún xinh thật đấy! Phong cách trai phố cổ hào hoa, vui vẻ nên không ai nỡ lừa.

       Cái tập thể ấy nhiều người xa quê. Đùa vậy nhưng rất đầm ấm, rất sẻ chia. Thấy sáng nào cũng chạy sang phòng bóc lịch, biết tôi nhớ nhà, ông Nhuấn thỉnh thoảng lại vài câu vọng sang “Chiều nay có phải em về quê em Miền Trung, về thăm quê mẹ cho anh về cùng…” hoặc “Tìm em không thấy đâu, chỉ thấy tre làng vút xanh…Tìm em không thấy đâu, bóng đêm u buồn… vây quanh!” giọng trầm ấm, ông hát như đọc chuyện đêm khuya, buồn não lòng! đêm muộn, ông thường lôi những bài văn hay của học sinh ra đọc cho cả khu tập thể đang nằm trên giường nghe. Thường là những bài của Hoàng Tiến Dũng (Dũng Thổ), Lê Mai, Trần Tuyết Tám, Trịnh Lan… khối lớp 10. Tôi nhớ mãi đoạn văn Hoàng Tiến Dũng viết về Bác Hồ đi tìm đường cứu nước: “Sài gòn 1911 - Một con tầu cập bến, một con người ra đi…trước mặt Người là đại dương bao la mịt mùng bão tố, sau lưng Người là cả một dân tộc lầm than…” mọi người đều tham gia chấm bài.

       Các buổi chiều là các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, xà đơn, xà kép…buổi tối lại kéo nhau dọc đường HN - 12 xuống phố cũ hoặc nông trường bộ để chìm vào các câu chuyện đông, tây, kim, cổ. Hai bên đường là hai hàng cây long não ướt đẫm sương đêm, toả hương thơm mơ màng.

        Phong trào chơi bóng bàn huyện Điện Biên thật sôi động. Cả huyện có hai bàn bóng, một của thư viện chỗ anh Khải và một của trường. Buổi tối từ 7 đến 10 giờ các tay vợt kỳ cựu các cơ quan tụ tại nhà hội đồng gồm ông Ninh thương nghiệp, ông Khải thư viện, ông Tình nhiếp ảnh, ông Đạt thuyết minh phim… và đội ngũ giáo viên trường.

       Ông Văn đương kim vô địch tỉnh bộ môn bóng bàn và chứa đựng đầy các huyền thoại về tài năng trong mọi lĩnh vực trong đó có thể thao và âm nhạc. Tùy từng đối tượng mà ông chấp số quả sao cho ông phải cố mới thắng. Ông Quân được chấp 6; các ông Khải, Tình, Ninh, Tâm, Dược được chấp 10 đến 15. Riêng ông Lựu được chấp 20, có nghĩa ông Lựu chỉ cần được một quả là thắng. Có hôm ông Lựu thắng hết, đề nghị được giảm chấp xuống 19 nhưng ông Văn không cho.

      Chuyện được kể lại, ngày trường còn ở bản Bồ Hóng, bàn bóng kê ngoài sân. Có một trận cá độ giữa ông Chi và ông Lựu được ghi vào trang truyền thống nhà trường. Không hiểu sao hôm ấy hai ông già cay cú gì mà giữa trưa nắng chang chang, cởi trần đội nón chơi bóng như Hứa Chử cởi trần đánh nhau với Mã Siêu trong Tam Quốc, cả hội đồng làm trọng tài. Luật đấu là chơi hai trận, mỗi trận 3 séc; mỗi bên buộc một con gà vào chân bàn, bên thua mang gà đi thịt làm lễ công nhận.

      Sau một tiếng đồng hồ hai ông mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt mũi đỏ rực say nắng. Kết quả mỗi ông thua một trận, cả hai con gà đang  say nắng được hội đồng mang đi thịt và ăn giúp.

     Trường có các cây văn nghệ lãng tử. Một chiều buồn các ông mang  tăng âm loa đài tụ tập trước cửa nhà hội đồng ngẫu hứng một chương trình văn nghệ tầm vóc quốc tế. Ông Văn acoocdeon, ông Dược ghi ta, ông Tâm bộ gõ, ông Huỳnh xắc xô.

      Ông Oanh ca sĩ bẩm sinh với giọng trầm đục khỏe khoắn và hơi khàn của người Lào Lum đã thăng hoa với những bài ca Bezame, Trở về Suriento, Cô gái Sầm nưa, Lăm Tơi trên nền nhạc đệm như lên đồng. Dân tình ngang qua đường dừng lại xem đông hơn đêm biểu diễn của văn công trung ương. Tiếng vỗ tay cổ vũ, tiếng hò reo gào thét đòi hát lại rền vang sân trường nhỏ.

      Đội văn nghệ lớn dần theo sự trưởng thành của nhà trường. Bổ sung thêm ông Kổn, ông Tuấn, ông Hà - ghi ta; ông Dược chuyển sang bộ gõ, ông sáng, ông Hiếu, cô Lan ca sĩ… với những dòng nhạc đa dạng phong phú. Dàn nhạc trở thành chuyên nghiệp chuyên đi biểu diễn phục vụ các đám cưới khắp lòng chảo.

      Ông Chi hiệu trưởng sống đậm chất quê Thái Bình. Ông giảng dạy và nói chuyện thật dân dã. Ví dụ Ông kể: ngày trường sơ tán về bản Bồ Hóng, một lần có cái máy bay Mỹ bay qua đánh véo rồi phóng liền hai quả bơm bớp nổ oác, oác, hai cột khói bốc lên cuồn cuộn. Một bà gánh tương trên đường sợ quá ngã lăn quay ra đất làm đổ hai thùng tương thơm váng cả bản.

      Hoặc chuyện Ông giải thích nguyên nhân động đất do sập trần hang như thế này: trong lòng đất có những khoảng trống lớn gọi là cái hang. Đương yên đương lành thì bỗng oẵng một cái, mặt đất rung chuyển, nhà cửa chao đảo thì ra cái trần hang bị sập thành cái hố đen ngòm sâu hoăm hoắm. Ông Dược nghe sướng quá bảo cái hố có khi phải to như cái giếng trường mình ấy nhỉ, ông Chi trợn mắt: to hơn nhiều ấy chứ, cái giếng trường mình ăn thua gì! Kể xong ông sòng sọc điếu thuốc lào, ngửa cổ phà khói lên trần nhà, mắt lim dim như chờ đợi những đợt dư chấn tiếp theo.

      Vợ chồng ông Lộc Nhũ có con trai tên là Long. Trường có mỗi đứa trẻ 4 tuổi nên cả hội đồng tranh nhau giáo dục – đào tạo. Ông Chi thì dạy nó nói cái đèn bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp. Ông Tố thì dạy nó đóng kịch vai Ham Lét.

     Một chiều muộn, thấy bà ngoại cháu Long chạy đùng đùng ra giữa sân trường réo: Lại là ông Tố, ông Tố đâu rồi, ông Tố đâu rồi, dạy cháu thế à? Ông Tố chui vào nhà hội đồng cười như ma làm và kể: ông dạy thằng Long diễn kịch rồi đứng rình xem nó thực hiện thế nào. Thằng Long phăm phăm đi về phía bà ngoại đang thái cây chuối cho lợn, cầm thanh tre làm kiếm đưa lên trước ngực rồi chĩa về phía bà, người đứng ưỡn, đầu ngẩng cao dõng dạc nói: “Bà ơi! Trái tim anh nóng bỏng yêu thương”. Thấy bà ấy đứng phắt dạy buông rơi con dao thế là tôi chạy.

PHỤ HUYNH HỌC SINH

       Các tối thứ bảy, ngày chủ nhật chúng tôi thường rủ nhau đi thăm gia đình phụ huynh, gia đình cán bộ các cơ quan quanh huyện. Phụ huynh phần nhiều là khối công chức, viên chức, cán bộ Nông trường Điện Biên hoặc nhân dân vùng xây dựng kinh tế mới… Đến với họ là đến với những câu chuyện của quê hương, của chiến dịch Điện Biên Phủ, của bà con nông trường, bà con nông dân rồi chuyện về đồng bào các dân tộc thiểu số...

     Hôm đến thăm gia đình bác Nhật ở nông trường bộ, cả chủ và khách vừa ăn lạc rang vừa râm ran đủ thứ chuyện. Nhân chuyện nông trường trồng café Bác kể một chuyện rất thú vị. Bác thuộc sư đoàn 316, giải phóng Điện Biên được một tháng thì được lệnh điều về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Hàng ngày các chiến sĩ tham gia các hoạt động tuyên truyền chính trị, giữ gìn an ninh thành phố cùng với công việc tiếp quản. Tối đến có thể đi chơi theo nhóm nhưng ít nhất phải từ 3 người trở lên và đến giờ giới nghiêm phải trở về đơn vị.

     Một tối, nhóm của bác lang thang qua cái quán nhỏ có biển đề: “Café Đô”, thấy hay hay mọi người kéo vào và kêu: cho 5 café đô! Bà chủ quán mang ra 5 fin café, một đĩa đường kính viên nén, 5 chiếc dìa nhỏ xíu. 5 người ngồi nhìn fin café nhỏ giọt trông dáng dân chơi sành điệu. Ngồi mãi, café thì không nhỏ nữa rồi, giờ giới nghiêm thì sắp đến mà tất cả vẫn ngồi nguyên. Sốt ruột quá bác Nhật quay sang ông Quân quê Hải Phòng (dân chơi đường 5) giục: Chơi đi chứ? ông Quân: chơi thì chơi! bác Nhật: thế anh chơi trước đi. Ông Quân thành thạo nhấc chiếc fin lên, trút bã vào tách café đã lọc, lấy dìa ngoáy đều, ngửa cổ nhăn mặt nốc một hơi hết sạch, thò tay nhặt viên đường bỏ vào túi. Tất cả y mẫu làm theo,  bà chủ quán tròn mắt ngỡ ngàng. Ông Quân đứng lên thanh toán tiền, bà chủ nhìn các chú bộ đội vẻ ái ngại và không nhận còn hẹn các chú tối mai lại đến. Mọi người bước nhanh ra cửa để kịp về trước giờ giới nghiêm. Trên đường về đơn vị, vừa ăn viên đường vừa nói với nhau: tưởng Café Đô ngon thế nào, đắng ngòm, khó nuốt, chả trách phải có thêm viên đường! ông Quân: mình chưa quen đấy thôi, Café Đô là nổi tiếng thế giới đấy!

     Vợ bác Nhật trẻ hơn bác đến chục tuổi trông thanh lịch, là một trong 200 thiếu nữ Hà Nội tình nguyện lên xây dựng Nông trường Điện Biên với hợp đồng là 18 tháng. Các cô gái được biên chế theo tổ đội sản xuất, được bố trí ăn ở tập thể cách biệt nơi ở và sản xuất của bộ đội khoảng 300m. Hai bên có phong trào thi đua sản xuất, văn nghệ và thể dục thể thao. Quan hệ nam nữ được quy định rất nghiêm ngặt, nghiêm lắm. Gần nhau đấy nhưng chẳng dám hò hẹn gì, để trong lòng thôi! Sự tình cứ âm ỉ, bén dần, bén dần rồi bùng lên lúc nào. Nhìn từng cặp, từng cặp dập dìu đi sản xuất, chính trị viên sư đoàn rất lo lắng  nhưng đành vậy, kệ thôi! 

       Hết 18 tháng, kiểm kê nghiệm thu và thanh lý hợp đồng chỉ có hơn chục cô hoàn thành nhiệm vụ được trở về Hà Nội với nhiều bằng khen, giấy khen. Gần 200 cô vi phạm điều lệnh quân đội nhưng không bị kỷ luật và trở thành vợ các chiến sĩ Điện Biên đến tận bây giờ, bác gái nằm trong số đó. Kỷ luật Quân đội có khác, Quân lệnh như sơn, khiếp!

      Thị xã chuyển về Điện Biên, Nông trường bộ chuyển vào vùng đồi C13 định cư, trường mất một nơi đi chơi đầy thi vị. Nghĩ thật thiệt thòi và tội các bác quá. Là người giải phóng mảnh đất lại là người nhen nhóm, gieo mầm, chăm sóc cuộc sống nơi đây giờ phải chui vào khe núi. Phía ngoài đẹp vậy thì toàn thấy dân khối công chức hoặc người dân tự do. Thỉnh thoảng vào thăm các bác chúng tôi thấy thật ái ngại rồi dần dần không dám đến nữa.

     Phụ huynh vùng kinh tế mới lại có những câu chuyện khác. Ông cụ Riễn (Bố cô giáo Đào Bình trường mình) người Quỳnh Phụ, Thái Bình. Nhà ông có đến 5, 6 đứa con, 2 đứa đang học tại trường cấp III, tất cả ở trong một ngôi nhà gỗ 3 gian hai trái trát tooc xi, lợp tranh. Các công trình phụ đủ cả. vườn tược rau cỏ, cây trái đâu ra đấy. Một cái ao chừng 200m2 gần ngay bờ suối, nước ra, nước vào thoải mái, đàn cá trắm cỏ thinh thoảng lại nhao lên đớp đám lá sắn nổi lợp lờ trên mặt nước trông thật vui mắt. Ông là trí thức thời Pháp nên uyên thâm các câu chuyện kể.

      Trong bữa cơm quê thân thiện đủ món cây nhà lá vườn, Ông ề à: HTX Thanh An về đây được chia ruộng, chia đồi. Hộ gia đình được chia đất thổ cư làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế phụ. Nói chung tốt cả, nhiều điều tốt hơn quê.  Cái đợt HTX triển khai công việc trồng sắn, ngô trên đồi, ban đầu nhìn người Thái làm mà sốt cả ruột. Đất đồi sau phát đốt họ cứ để nguyên vậy chẳng cầy cuốc gì, cứ bổ một nhát, quăng một mẩu hom sắn xuống rồi lấy chân đá đá lấp đất thế là xong. Trồng ngô thì dùng gậy nhọn chọc một lỗ, thả một hạt, di ngón chân cái vào miệng lỗ thế là xong. Chả trách nghèo!

      Các bác hiện đại hóa, sản xuất lớn XHCN đánh trâu lên đồi cày, khó thì cuốc nhặt sạch cỏ dại, làm tơi đất, trồng theo luống, cây cách cây, hàng cách hàng đều tăm tắp trông như bức tranh. Sẽ là hàng tấn, hàng tấn tấn! Nhưng sự thể lại không hẳn vậy. Ngô gieo xong thì đủ các loại chim, chuột, kiến, mối diệt đuổi không xuể. Chưa hết, vẫn chưa là gì. Mùa mưa đến, những trận mưa đầu mùa đã hình thành hệ thống các rãnh nước sâu hoắm, rộng toang ngoác chảy ngoằn ngoèo dọc từ đỉnh xuống tận chân đồi rồi đổ ra dòng suối bên dưới kéo theo hàng trăm tấn đất màu mỡ. Những cây ngô non hai ba lá trơ rễ rải khắp đến tận ven suối, có chỗ dồn tụ thành đống. Sắn thì mỗi nơi một hom. Nhìn sang nương đồng bào, ngô sắn cứ mơn mởn vươn mình trong gió, trong mưa, trong nỗi thất vọng của nền sản xuất lớn. Thả cá cũng vậy, thả để mùa mưa cung cấp con giống cho các ao của đồng bào, một phần phóng sinh ra sông, ra suối làm việc thiện. Thì ra…

       Phụ huynh vùng công chức, viên chức lại rất nhiều chuyện về đồng bào các dân tộc vì được đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Họ nói về  y phục, về phong tục tập quán của từng dân tộc. Y phục của phụ nữ Thái là đẹp nhất từ kiểu dáng, phối màu đến các hoa văn và phụ kiện trang sức đi kèm. Vài chị em phụ nữ Thái trẻ trung trong bộ váy đen, áo cóm da trời, hàng cúc bạc, thắt lưng eo xanh cánh trả, hông cuốn hờ dây xà tích bạc…tất cả làm lộ những đường cong mềm mại của tạo hóa. Đầu trùm khăn piêu, vai đeo túi thổ cẩm, dáng đi uyển chuyển, nụ cười e lệ, mắt nhìn hoang dại líu ríu rủ nhau xuống chợ hoặc đi chơi ngày tết. Ai nhìn cũng thấy xao xuyến, bâng khuâng.

     Nhân dân các dân tộc Điện Biên rất coi trọng Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Tết đến người Mèo từ trên núi cao, người Xá từ lưng chừng núi, lưng chừng đèo xuống và người Thái từ khắp các bản ra, thị trấn đông kín đường. Trò chơi hấp dẫn nhất của họ là ném còn. Ngay cái tết Tây Bắc đầu tiên mình đi ném còn cùng người Thái. Một bên là nam, một bên là nữ đứng cách nhau một khoảng 15, 20 mét. Quả còn vải bông tua rua sắc màu bay đi bay lại, quả bắt được, quả rơi. Ai để rơi phải đính kèm và ném trả món quà là chiếc nhẫn hay hoa tai bạc giả. Cứ vậy mà cả ngày không chán. Đến bữa họ rủ nhau vào chỗ mát đâu đấy mang thức ăn ngày tết ra cùng ăn. Đôi nào vương vấn thì rủ nhau vào rừng sáng mai dậy ném tiếp. Mình ngố, quả nào cũng bắt, quả tay trái, quả tay phải được đến vốc nhẫn và hoa tai. Ban đầu họ cũng thích cười rúc rich, nụ cười có nắng, sau chẳng thấy quả nào bay về phía mình nữa. Mình mang vốc chiến lợi phẩm đến dúi cho một cô rồi quay về trường.

      Ngủ nhà người Thái rất thoải mái, đủ bộ phục vụ cho một giấc ngủ bình yên và có nhiều giấc mơ đẹp. Hôm cả hội đồng được mời xuống nhà ông Tòng Xuân Hương giáo viên cấp I Bản Hồng Nếch ăn cơm. Sau khi rượu ngà ngà thì bà Đón vợ ông Hương rót một dãy 18 chén rượu cho 17 ông và cầm một chén lên chúc. Uống xong, tưởng tửu lượng bà Đón có vậy, ông Chi líu ríu lưỡi thách đố. Bà Đón rót 18 chén nữa rồi lần lượt uống sạch. Hội đồng lăn quay ra say không biết do rượu hay do mất vía. Ông Hương dìu từng người vào các phòng ngủ, chăn ga gối đệm đầy đủ, các thầy ngủ đến tối mới tỉnh và bò về nhà. Qua cầu treo C4 ông Chi phải bò bằng 4 chân.

CÔNG VIỆC DẠY HỌC CỦA TÔI

Được giao dạy KTNN cho tất cả các lớp nên khóa đầu tiên tôi nhớ hầu hết học sinh toàn trường cả họ lẫn tên. Những buổi đầu lên lớp phải chuẩn bị  mấy ngày cho một giáo án, thâm tâm sẽ làm cho học sinh nghe giảng quên cả ra chơi. Đến khi đứng trên bục giảng thấy lộc ngà, lộc ngộc tự nhiên hồn vía lên giời, nói chẳng thành câu chỉ mong hết giờ. Lần nhắc cái Tuyết lớp 9B về việc nói chuyện riêng, nó cười duyên rồi bảo: Thầy nên nhớ là thầy ít tuổi hơn em đấy!

Học sinh Điện Biên hiền, ngoan, tôn trọng thầy cô giáo. Đi đường gặp thầy cô đều bỏ mũ nón đứng nghiêm chào. Đang đi xe đạp thì xuống xe để chào. Thích, nhưng thấy ái ngại. Ngày 20.11 hoặc tết Nguyên đán học sinh từng lớp kéo nhau đi hết phòng này đến phòng khác thăm và chúc tết các thầy cô. Vui, cảm động và thấy yêu nghề hơn.

     Vì KTNN là bộ môn phụ, không giá trị gì nhiều trong sự nghiệp sau này của học sinh và thường được bố trí vào các tiết cuối nên trong các bài giảng tôi luôn phải chế tạo các câu chuyện sao cho học sinh ngồi lại đến hết giờ. Học sinh nào học cả 3 năm cấp III môn KTNN chắc sẽ có bộ sưu tập giàu có về những câu chuyện kể. Ra trường chúng tỏa muôn nơi kiếm tìm sự thật. Sinh viên Trường Pháp lý còn kéo nhau về tận làng, tận nhà tôi để xác minh rồi chúng kết luận: Thầy toàn nói phét, làm gì ra có.

      Do thiếu nhiều giáo viên nên tôi hay được phân công dạy thay, dạy kiêm các bộ môn như KTCN, Hoá, Sinh…lúc này thì phong cách lên lớp hoàn toàn khác, cũng nghiêm nghị như ai.

      Sau này đi dự các buổi Hội lớp, học sinh lôi ra không biết bao nhiều là chuyện. Hóa ra chúng nhớ thật, nghe mà cứ ngơ ngẩn cười như chuyện về ai.

      Tính xuề xòa, thoải mái cũng là đề tài cho các cuộc vui. Có những câu chuyện bất diệt như: Giấy xin phép nghỉ học 8 điểm, sổ đầu bài 9 điểm; học sinh lên chốt đã 5 tháng nhưng vẫn gửi bài về chấm, vẫn có điểm tổng kết 8,5; hoặc có lần ngủ quên trên bàn giáo viên đang mơ về một nơi xa lắm thì ông Tâm vào lay dậy và bảo: ra để lấy chỗ cho tôi kiếm tí, từ sáng đến giờ đã được hào nào đâu…

      Mỗi lần đi làm thi tốt nghiệp hoặc bồi dường hè có đủ mặt quan chức và giáo viên các trường họ cứ thản nhiên kể những chuyện như vậy rồi gắn tên tôi vào đấy. Nghe cũng thấy hay hay và chẳng cải chính bao giờ. Qua thời gian thêu dệt câu chuyện ngày càng sinh động và giàu tính hài. Gia cố cho chặt chẽ tăng tính chân thực đến nỗi Trưởng Ty cũng cho là thật. Sếp hỏi có thật thế không? Dạ.. thật ạ! Có cần cải chính không? Dạ, không ạ!

     Đất nước mở cửa, Điện Biên mở cửa, nền văn minh nhân loại len lỏi đến từng ngõ ngách bản làng; Không còn những quả còn bằng vải tua rua sắc màu bay đi bay lại giăng mắc những mối tình; không còn những ánh mắt hoang dại nhìn đắm   đuối làm tê tái những con tim, vắt kiệt những hoang tưởng của một thời trai trẻ…

     Điện Biên vẫn đẹp và hấp dẫn như chính tên tuổi của mình vậy, ai xa nó không khỏi bâng khuâng nhung nhớ.

      Mỗi câu chuyện đều là những dòng kỷ niệm sâu sắc với tất cả những ai đã từng công tác tại nhà trường dù thời gian có là dài hay ngắn. Chuyện đều là thật, tôi chỉ ghi chép lại ai tin thì tin, ai không tin thì thôi, nhưng tôi cảm nhận nó vẫn lan lan đâu đó trong từng bản làng, góc phố, chân trời, góc bể theo dấu chân người Điện Biên và sẽ được gìn giữ cho nhiều thế hệ với nhà trường mà mỗi khi nhắc đến chúng ta đều cảm thấy trân trọng, tự hào.

     Xin gửi các bạn tình yêu và nỗi nhớ Điện Biên thay lời chào

Lỡ hẹn mùa ban

Em hẹn đến thăm vào mùa Ban nở

Để cùng đi trong rừng trắng muốt Hoa Ban

Lời hẹn đơn sơ, mắt đượm nồng nàn

Tôi mơ mải chờ mùa Ban đến.

Hôm nay đã giữa mùa lời hẹn

Cả rừng Ban rực rỡ nắng mặt trời

Cả rừng Ban bồng bềnh mây trắng

Hoa chen hoa theo gió chơi vơi.

Trong rừng Ban tôi đi với tôi

Nằm trên cỏ nhìn chùm hoa hé nở

Đếm cánh hoa rơi, đong nỗi buồn hẹn lỡ

Có biết không em, Ban chỉ nở mùa này?

Những chiếc khăn Piêu, say trong men say

Vui gì thế tiếng cười giòn vỡ?

Tay đan tay vin nhành Ban nhỏ

Hoa trắng rơi rơi phủ kín môi cười.

Chiều muộn rồi về thôi Pì Noọng

Bản làng xa lắm lạc rừng thôi

Cái nhìn bối rối vơi nỗi nhớ

Vơi nỗi mình tôi đếm bước về./.

Mùa ban 2014 - NVH

Đọc 641 thời gian
1st