11 Tháng 12 2024
Thứ sáu, 07 Tháng 10 2022 14:59

CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ!

Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)

          Là học sinh của trường cấp III Điện Biên, khóa 1973-1976, tôi học ở lớp thầy Lê Hữu Thoại làm giáo viên chủ nhiệm hai năm và dạy môn sinh trong suốt  ba năm. Gần nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng tôi nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn thư sinh, giọng nhỏ nhẹ không còn “ đặc sệt” chất Nghệ- Tĩnh mà rất vang, rất sáng của Thầy. Mặc dù là một giáo viên trẻ mới ra trường được vài ba năm nhưng ở Thầy vẫn toát lên phong cách chững chạc, điềm đạm mà lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi phải nể sợ. Thầy đã dạy chúng tôi về AND, biến đổi gen rắc rối… của sinh học hiện đại một cách khúc chiết, dễ hiểu. Thầy luôn yêu cầu học sinh phải dùng kiến thức đã học vào việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trong gia đình, giải thích các hiện tượng thường gặp trong đời sống như máu không đông, hoặc các bệnh về di truyền.. Thầy đã dẫn cả lớp chúng tôi đi xe đạp xuống tận trại lợn của HTX xã Noọng Luống để nghe cán bộ kĩ thuật của Trại nói về quy trình lai tạo, chọn giống  trong chăn nuôi…

1

Các thầy (từ trái qua phải): Lê Hữu Thoại, Nguyễn Tiến Tăng, Phạm Thanh Tuấn, Trần Ngọc Cương và Nguyễn Song Bình

          Là giáo viên chủ nhiệm, Thầy không quản ngại khó khăn đến gia đình gặp gỡ phụ huynh trao đổi về việc giáo dục con em mình, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở học sinh giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở trong lớp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.. Tôi còn nhớ mãi buổi lao động buộc dứng, trát vách giúp cho gia đình một bạn nam nhà ở rất xa trong lớp do Thầy tổ chức..

Tôi có may mắn, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm lại được về dạy ở trường cũ, khi Thầy đang làm Phó Hiệu trưởng. Năm 1981 sau khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng, Thầy đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong công tác giảng dạy, giáo dục cũng như nề nếp làm việc của trường cấp III Điện biên lúc bấy giờ như tách môn Văn, Toán ra thành tổ chuyên môn riêng, không để gộp chung tổ Xã hội và tổ Tự nhiên kém hiệu quả như trước; chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng việc giáo dục đạo đức học sinh, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn; tăng cường dự giờ, thăm lớp, bồi dưỡng, kèm cặp giáo viên yếu kém hoặc mới ra trường; chấn chỉnh cung cách làm việc trì trệ, luộm thuộm…trước đó của bộ phận hành chính, phục vụ; xây dựng nề nếp làm việc khoa học, đúng giờ có tính kế hoạch cao cho cán bộ nhân viên giáo viên của trường….

          Thầy là một trong số những Hiệu trưởng hiếm hoi lúc bấy giờ rất chú trọng xây dựng môi trường sư phạm và cảnh quan của trường. Thầy đã cho trồng hàng trăm cây nhãn trong khuôn viên nhà trường vừa để tạo bóng mát vừa bán quả lấy tiền gây quỹ phúc lợi của cơ quan. Vào những năm 1987-1992, khi nhãn ở Điện Biên rất được giá, Hiệu trưởng đã quyết định bán quyền thu hoạch toàn bộ số nhãn của trường trong 5 năm liền, được một số tiền lớn, đủ may cho mỗi CBGV nam mỗi người một bộ comple,một đôi giầy da; nữ một bộ đờmi và một áo dài, do thầy Phạm Văn Tâm, phó Hiệu trưởng trực tiếp cầm tiền đi đặt may ở Hà Nội. Chúng tôi không thể nào quên cảm giác vui sướng khi lần đầu tiên trong đời toàn trường được mặc áo dài hoặc comple đồng phục trọn bộ được may từ tiền bán nhãn ấy vào đúng lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường. Không chỉ chúng tôi vui, hãnh diện, ngắm mình, ngắm nhau mà hình ảnh đẹp ấy được học trò chia sẻ, lan tỏa khiến dân tình Điện Biên ngày ấy xôn xao, lan truyền, ngưỡng mộ… như một “ tin nóng”…Đối với chúng ta bây giờ việc may một bộ comple với nam hoặc may một cái áo dài đối với nữ là việc quá nhỏ. Nhưng với thế hệ các thầy cô giáo ở thập niên 80 bộn bề khó khăn nếu không tự trồng rau, nuôi gà tăng gia thêm, mấy đồng lương giáo viên eo hẹp chỉ đủ sống tằn tiện không quá 20 ngày thì hình như không ai dám nghĩ đến việc may đồng phục comple, áo dài cho cả cơ quan. Và không phải thủ trưởng của cơ quan nào dù có dư điều kiện về tài lực hơn trường cũng làm được điều đó. Một số tấm ảnh chụp trong khoảng thời gian từ 1988-1995 còn lưu lại đến bây giờ có nhiều ảnh các thầy cô giáo của trường mặc comple và áo dài cùng màu được may từ những đồng tiền bán nhãn quý giá đó. Rất tiếc là do số lớp, số học sinh tăng lên nhiều qua mỗi năm, những cây nhãn sum suê, xanh tốt ngày ấy đã dần bị chặt bỏ để lấy đất xây dựng thêm phòng học, nhà làm việc nên bây giờ đã không còn nữa. Việc này đã được thầy giáo Nguyễn Tiến Tăng nhắc đến trong bài viết “ Tản mạn Trường ta” đăng trên kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập Trường từ 10 năm trước.

          Điều mà chúng tôi quý nhất ở Hiệu trưởng của mình không chỉ là sự toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp xây dựng nhà trường mà còn ở cách sống giản dị, quan tâm chăm lo giúp đỡ, dìu dắt cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Bố mẹ, vợ con ở quê tận trong Hà Tĩnh, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, Thầy chỉ về thăm gia đình mỗi năm được một đôi lần vào dịp hè, tết. Ngoài thời gian làm việc, họp hành, thầy sống chan hòa cùng anh chị em giáo viên ở khu tập thể. Ở đầu căn phòng nhỏ của Thầy trồng một dàn hoa giấy rất đẹp và một cây xoài trĩu quả. Đến mùa xoài chín, Thầy thường để dành những quả xoài chín thơm phức gửi cho các cháu nhỏ con các cô giáo của trường…Không bao giờ quên hình ảnh quen thuộc của Thầy, hàng ngày đi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ từ lớn đến nhỏ trong trường. Chúng tôi thường nói nửa đùa nửa thật một cái dây tơ hồng ( một loại tầm gửi có hại) nhỏ xíu  học sinh nào đó nghịch ngợm vứt lên cây nhãn cũng không lọt qua mắt thầy Hiệu trưởng!

Năm 1992, thầy được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục thị xã Điện Biên Phủ. Sang môi trường công tác mới, dù vẫn trong ngành giáo dục song là cơ quan quản lý nhà nước chứ không còn  là đơn vị sự nghiệp như ở trường nữa. Phòng mới thành lập, chức năng nhiệm vụ mới, cơ chế quản lý mới, người xung quanh Thầy có cả cũ, cả mới, các “ mối quan hệ” cũng mới… Có lẽ vì thế  mà tình người, lòng người cũng đổi thay theo, trong lúc giao thời “ trắng đen chưa tỏ” mà Thầy  không lường trước, không ngờ tới để những năm tháng trước khi nghỉ hưu kết thúc như một nốt trầm buồn…Nhưng dù thế nào thì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển nhà trường trong hơn 20 năm của Thầy là không thể phủ nhận. 

          Tháng 7 năm 2019, khi nghe tin Thầy bệnh trọng, đồng nghiệp Nguyễn Tiến Tăng đã lái xe vượt cả ngàn cây số cùng  thầy Phạm Thanh Tuấn, Đỗ Khắc Phượng (đồng nghiệp và học sinh cũ ở trường) về Hà Tĩnh thăm Thầy.  Đồng nghiệp Nguyễn Tiến Tăng kể lại: Bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của mấy anh em, dù rất yếu mệt nhưng Thầy vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan nói “Cậu Tăng và anh em vào thăm, anh vui,  khỏe lên sẽ sống thêm vài năm nữa…”Suốt chặng đường Hải Phòng- Hà Tĩnh, Hà Tĩnh – Hải Phòng mấy người ngồi trên xe chỉ ôn lại những chuyện về Thầy, về “ trường ta” mà khi chia tay vẫn không hết chuyện …Tất cả câu chuyện đều xoay quanh những kỉ niệm đẹp về Thầy- người anh, người thầy được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. 

          Mới đó  mà Thầy đã đi về miền xa thẳm hơn cả ngàn ngày. Nhớ lại ngay sau khi nghe tin thầy mất, tôi cùng cô giáo Nguyễn Thị Hà và cô Nguyễn Thị Phương (kế toán của nhà trường từ 1985-2008 ) đã về làng quê nghèo vùng bán sơn địa ở huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh để tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Đứng trước di ảnh của Thầy mấy chị em chúng tôi không khỏi xót xa thương Thầy cả một đời xa gia đình, người thân, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục ở một tỉnh miền núi xa xôi nơi cuối trời Tây bắc, những ngày cuối đời ốm đau bệnh tật ở nơi quê nhà xa xôi, không có đồng nghiệp, bạn bè, học sinh cũ động viên chia sẻ…

Nhân dịp, trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ kỉ niệm 60 năm thành lập, xin được phác họa đôi nét chân dung của Thầy để các thế hệ sau được biết và ghi nhớ công lao của một trong những cựu Hiệu trưởng có Tâm, có Tài, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển nhà trường từ 1971 -1992 bộn bề khó khăn, gian khổ… Mong rằng ở nơi cao xanh Thầy vẫn luôn dõi theo những chặng đường phát triển của ngôi trường mà mình đã góp phần đặt nền móng xây dựng từ cách đây nửa thế kỷ!

Xin gửi đến thầy một nén tâm nhang!

Học sinh: Lê Thị Mai

Đọc 1419 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ sáu, 07 Tháng 10 2022 15:24
1st