16 Tháng 4 2024

Bài phát biểu tại Lễ kỉ niệm 55 năm ngày thành lập trường, 35 ngày nhà giáo Việt Nam của Nguyên Hiệu trưởng - Thầy giáo Hà Lan

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

          Kính thưa Quý vị đại biểu!

          Kính thưa các Thầy, Cô giáo!

          Thưa toàn thể các thế hệ học sinh thân yêu!

          Trước hết cho phép tôi thay mặt tất cả các thầy - cô giáo của trường phổ thông cấp 2-3 Điện Biên Phủ (nay đã nghỉ hưu); Thay mặt Đoàn cán bộ cựu Giáo chức của hai tỉnh Điện Biên – Lai Châu từ Hà Nội và một số tỉnh miền xuôi về thăm tỉnh nhà hôm nay,

          - Nhiệt liệt chúc mừng thày- trò trường trung học Phổ thông Thành phố Điện Biên Phủ nhân ngày đại lễ kỷ niệm nhà trường ta vừa tròn 55 tuổi (1962-2017).

          - Nhiệt liệt chúc mừng các quý vị đại biểu đại diện Lãnh đạo Tỉnh, Thành phố, Sở GD & ĐT các thày giáo, cô giáo và những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục  Tỉnh Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ  nhân lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1968-2017).

          Kính thưa các đồng chí, đồng nghiệp, thưa toàn thể các em!

          Cách đây 5 năm,  đúng vào ngày này (ngày 15/11), cũng tại diễn đàn này, tôi vinh dự được thực hiện trọng trách - thay mặt cho tất cả các thế hệ Thày, Cô giáo đã từng gắn bó với sự nghiệp "trồng người" , góp phần tạo nên lịch sử 50 năm của mái trường này, - để bầy tỏ niềm tự hào và tình cảm vô cùng xúc động, bồi hồi nhớ lại biết bao kỷ niệm của những năm  tháng không thể nào quên của 50 năm ấy.

Hôm nay, Ban tổ chức lại cho tôi cơ hội được phát biểu lần nữa tại diễn đàn này. Tôi rất biết ơn! nhưng cũng thậy khó cho tôi! Biết nói gì đây khi lịch sử nhà trường đã được bổ sung bởi những sự kiện mới của 5 năm nữa (2012 - 2017) !

          Nếu ai có mặt trong lễ kỷ niệm 5 năm trước, hẳn ít nhiều còn nhớ, tôi đã tâm sự rằng :"Khi về già, sức khỏe không còn được như trước, người ta thường hay hoài cổ (hay nhớ lại những chuyện ngày xưa). Là người thày của những khóa học trò đầu tiên ở mái trường này, hầu hết chúng tôi đều đã được xếp vào hàng “xưa nay hiếm thậm chí là U 80 rồi”. Sự bồn trồn mong được về lại trốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhau nhắc lại những ước mơ của thủa ấy, cùng bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học trò nhớ lại bao chuyện vui buồn thời trẻ..., chính là để tìm lại cho được cái cảm giác của một thời tràn đầy sức sống đã trôi qua. Thiết nghĩ, sự xúc động, bồi hồi, sự say xưa nhắc lại những chuyện ngày xưa cũng là sự thôi thúc nội tâm, cũng là nguyện vọng tự thân được đắm mình trong những tình cảm chân thành và trong sáng không dễ gì có được ở những ai chưa từng trải nghiệm từ những ngày xưa ấy."

          Bởi vậy hôm nay, một lần nữa thay mặt thế hệ các nhà giáo lão thành (không chỉ của trường THPT TP Điện Biên Phủ), chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Cấp ủy, Chính quyền, ngành Giáo dục của hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và của thành phố Điện Biên Phủ cùng 2 trường: Trung học phổ thông TP Lai Châu; THPT Thành phố Điện Biên Phủ, đã quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi được trở lại mảnh đất ngày xưa, để được tận hưởng những cảm xúc mãnh liệt và sâu đậm tình người, để được chia sẻ niềm vui lớn cùng thày trò các nhà trường và toàn ngành Giáo dục trong đại lễ trọng thể _ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 2/11.

          Thưa các đồng chí, đồng nghiệp cùng toàn thể các em thân yêu!

          Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đội ngũ chúng tôi hôm nay đã không còn nguyên vẹn nữa. Chỉ riêng Trường cấp 2/3 Điện Biên Phủ đã có 13 người gồm: Thầy Đỗ Đức Bản, cô Nguyễn Thị Hiền, thày Nguyễn Như Côn,  thày Nguyễn Mai Phương, thày Nguyễn Văn Sỹ, thày Phạm Tế Xuyên, thày Phạm Văn Thấn,  thày Nguyễn Hữu Đán,  thày Dương Úy Tố, thầy Nguyễn Văn Lựu, và gần đây nhất, cô Dương Thanh Thúy, thầy Trần Đồng Minh và thày Trần Ngọc Khuê của chúng ta đã lần lượt ra đi. Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày 20-11 – ngày Quốc tế  hiến chương các nhà giáo, cũng là ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi vẫn muốn nhắc lại rằng: Đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”  của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở thày trò chúng ta:  hôm nay và mãi mãi về sau đừng bao giờ quên họ. Cho dù, họ chỉ dạy cho chúng ta biết được 1 chữ, thậm chí nửa chữ thì họ cũng đã là thàyvà đáng được gọi là thầy. Hãy lưu giữ lấy tên tuổi của họ trong phòng truyền thống của nhà trường và đặc biệt là trong chiều sâu tâm khảm của mỗi chúng ta.

          Thưa các đồng chí và các em!

           “sinh, lão, nệnh, tử” là quy luật tồn vong của muôn đời.

          55 năm đã là như vậy, 5 năm nữa – 60 năm đại lễ lần sau- ai biết được đến ngày ấy, trong chúng tôi có mặt, hoặc không có mặt ở đây lúc này sẽ ai còn, ai mất! Bởi vậy, các đồng nghiệp lão thành đã ủy thác cho tôi, chia sẻ cùng các thày, cô giáo và các em học sinh thuộc thế hệ hôm nay đôi điều tâm sự từ đáy lòng mình.

          Năm nay, trường phổ thông cấp 2-3 Điện Biên Phủ (nay là trường Trung học phổ thông TP Điện Biên Phủ) của chúng ta đã tròn 55 tuổi’.

          Mỗi lần tổ chức kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào đó, chúng ta thường nhắc đến những cái đã qua. Điều đó là cần thiết, nhưng không phải để say xưa, thỏa mãn với những cái đã qua ấy, cho dù nó là cái vinh quang của một thời oanh liệt trong qúa khứ. Mà là, để khẳng định chính xác hướng đi của nhà trường trong tương lai phát triển; để tìm ra cái nền móng vững chắc, cái điểm tựa tinh thần và cả những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết từ trải nghiệm thực tiễn của các thế hệ thày trò trong nhiều năm qua.

          Sự thật là, chẳng bao giờ có một cái gì đó có thể ra đời thuần túy từ con số không. Lịch sử ra đời và lớn lên của Trường THPT TP  Điện Biên Phủ ngày nay cũng đúng như vậy. Đó là tiếp nối lịch sử của trường phổ thông cấp 2-3 Điện Biên Phủ ngày xưa, gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Năm 1962, lớp 8 đầu tiên của tỉnh Lai Châu ra đời trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Điều đó có nghĩa là, lớp 1 đầu tiên chỉ được hình thành từ sau khi chiến dịch Điện Biên hoàn toàn thắng lợi, các dân tộc trên đất Điện Biên hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của quân xâm lược. Để rồi 10 năm sau  - năm học 1964-1965, khóa đầu tiên của Trường PTTH  Điện Biên Phủ  tốt nghiệp ra trường với chỉ có 16 học sinh.

Không chỉ lớp 10 khóa 1, mà cả mười khóa học sinh đầu tiên của nhà trường ta đã cùng với thế hệ trẻ cả nước đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt nam, để rồi, 10 năm sau nữa - năm hoc 1974-1975- khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất thì học sinh khóa thứ 10 của Trường phổ thông trung học Điện Biên Phủ lại tốt nghiệp ra trường.

Như vậy là, cho đến nay, trong tổng số 55 khóa học sinh của nhà trường ta, thì 10 khóa đầu tiên đã được đào tạo trong hoàn cảnh đặc biệt, với vô vàn khó khăn gian khổ của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, thầy và trò của nhà trường chúng ta đã được rèn luyện, được thử thách và đã khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp, tạo nên hệ thống giá trị rất đáng trân trọng và  cần thiết phải được giữ gìn. Đó chính là những cái mà ngày nay chúng ta có thể coi là truyền thống của nhà trường.

          Nói cụ thể hơn, nó là tinh thần dũng cảm đối mặt với gian lao thử thách, kể cả với súng đạn của kẻ thù, giám chấp nhận và sẵn sàng hy sinh phấn đấu theo khẩu hiệu  “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì học sinh thân yêu”; nó là ý chí quyết tâm “dạy tốt và học tốt” trong bất cứ hoàn cảnh nào;  nó là tình cảm vô tư trong sáng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không hề tính toán, vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ mà ngày nay nhiều khi nhớ lại, chính bản thân chúng tôi cũng không tự giải thích được vì sao ngày ấy ta lại có thể chịu đựng và làm được những điều như thế.

          Thế hệ thầy giáo chúng tôi ngày ấy là vậy, đã dành trọn tuổi trẻ của đời mình cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo ở mảnh đất này. Chúng tôi đã để lại cả sức lực và trí tuệ của mình cho 10 khóa học sinh đầu tiên của mái trường này. Nhưng chúng tôi cũng mang theo về xuôi tất cả những gì là quý giá nhất của nhân dân các dân tộc Điện Biên, của các thế hệ học trò và cả các bậc phụ huynh của những khóa học sinh đầu tiên đã trao gửi: đó là tình cảm chân thành, là lòng kính trọng, là ký ức tốt đẹp, trong sáng và sâu đậm mãi cho tới tận hôm nay. Cả Đoàn CGC từ miền xuôi lên đây, khi thăm lại Phong Thổ, Sình Hồ, Mường tè, Mường Nhé, Mường Lay, rồi trở lại Điện Biên hôm nay cũng đều là những người như vậy, cũng cùng chia sẻ với nhau những tâm tư tình cảm như vậy.

Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, trường THPT TP Điện Biên Phủ đã bước sang trang mới trong lịch sử phát triển 45 năm tiếp theo cho đến ngày hôm nay.

Cám ơn thày Hiệu trưởng, qua diễn văn vừa đọc đã giúp chúng tôi cập nhật thêm nhiều hiểu biết mới về Nhà trường trong 5 năm phát triển gần đây.

          Thưa các đồng chí đồng nghiệp!

          Thưa toàn thể các em học sinh thân yêu!

          Lịch sử là sự vận động kế tiếp nhau trong thời gian theo quy luật phát triển của các sự kiện. Lĩnh vực giáo dục & đào tạo mà ta gọi là một sự nghiệp, cũng không nằm ngoài sự chi phối của quy luật đó.

Cái truyền thống dù có tốt đẹp đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ còn giữ được giá trị của nó, khi nó biến thành động lực tiếp tục nâng chúng ta lên một tầm cao mới, tương ứng với những yêu cầu mới, những đòi hỏi mới của tình hình. Trước mặt thày - trò ngày nay là cả một thế giới, một thời đại với vô vàn thách thức mới nhưng cũng chứa đựng nhiều thời cơ và cả điều kiện để tận dụng một cách hiệu quả những thời cơ ấy cho tương lai phát triển nhanh và bền vững của đất nước mình.

          Thời đại đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới, đất nước ta, miền Tây bắc tổ quốc trong đó có tỉnh Điện Biên chúng ta cũng đang đặt ra cho thế hệ trẻ đương thời nhiều vấn đề phải giải quyết.

Sứ mệnh thật  vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề đặt lên vai thày trò trường ta cùng với hệ thống giáo dục của tỉnh nhà, đó là phải chuẩn bị tốt các điều kiện để cung cấp đủ nguồn lao động có chất lượng tương ứng với những nhiệm vụ phải giải quyết nêu trên.

          Hiệu quả giải quyết những vấn đề đó, phụ thuộc một cách quyết định vào hệ thống những quyết sách thực tiễn trong hiện thực chứ không phải phụ thuộc vào cái gọi là truyền thống.

          Vậy quyết sách chiến lược để phát triển trong thực tiễn sự nghiệp GD & ĐT nói chung của đất nước ta là gì? Đây là vấn đề lớn ở tầm vĩ mô. Chúng ta cố gắng cập nhật để nhận thức đúng vào những nội dung then chốt và cốt lõi từ các văn kiện của Đảng, Nhà nước thông qua sự truyền đạt, sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các cấp quản lý trong toàn ngành.

Nhưng, vấn đề của chúng ta lại là những giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương ta và của nhà trường ta – Trường THPT TP Điện Biên Phủ! quá khó, có thể nói là vô cùng khó!

Qua diễn văn của thày Hiệu trưởng, cũng đã sáng tỏ một phần về những giải pháp cụ thể nói trên, đương nhiên chưa phải là tất cả. Mỗi thế hệ có những xứ mệnh, vai trò và những nhiệm lịch sử cụ thể của mình. Thế hệ chúng tôi hôm nay ý thức rất rõ về những hạn chế khách quan và chủ quan trong khả năng của bản thân.

          Thời chúng tôi không có máy tính điện tử, không có điện thoại di động, càng không có điện thoại thông minh – Smartphone-, không có Internet, không có cái gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà khắp nơi người ta hay nói như một ngôn ngữ thời thượng – cách mạng 4.0.     

          Chân lý là cụ thể và có tính tương đối. Sẽ là rất phản khoa học, thậm chí là có tội nếu cứ muốn kéo dài cách nghĩ và cách làm vượt ra ngoài giới hạn khách quan, có thể, để áp đặt lên thế hệ hôm nay bằng những chỉ bảo về giải pháp vẫn thường áp dụng của ngày xưa, không còn là phù hợp nữa. Không ai có thể thay thế được chính bản thân các đồng chí, đồng nghiệp hôm nay trong việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể đang đặt ra cho mình. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi đã và đang sẵn sàng tình nguyện làm bệ đỡ để các đồng chí, đồng nghiệp hôm nay đứng lên vai mình mà bước tới tương lai. Hơn nữa, lịch sử một khi đặt ra những nhiệm vụ cần phải giải quyết cho một thế hệ nào đó thì đồng thời nó cũng đã tạo ra cho họ những điều kiện khách quan, những phương tiện khách quan để họ giải quyết những nhiệm vụ đó.  

          Nếu thày trò trường ta coi đổi mới toàn diện và triệt để cách dạy và cách học theo tinh thần của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố tại cuộc họp báo ngày 12/4/2017 vừa qua, trên cơ sở tận dụng tối đa những điều kiện kỹ thuật và công nghệ dạy học hiện đại như một khâu đột phá; nếu dấn thân vào khâu đột phá này với tinh thần quyết tâm và dũng cảm như các thế hệ thầy-trò của 10 khóa đầu tiên đã từng thể hiện trong khó khăn gian khổ khi đó, thì việc đạt mục tiêu chiến lược phát triển của nhà trường như thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Cường đã đề cập chỉ còn là vấn đề thời gian.

          Chúng tôi tin tưởng Thày – trò trường ta sẽ làm được, bởi vì chúng tôi tin vào sức mạnh động lực của truyền thống; chúng tôi tin vào những định hướng đúng đắn đã được xác định; chúng tôi tin vào năng lực chuyên môn và ý chí  vượt khó của đội ngũ thày giáo, cô giáo đã được minh chứng; chúng tôi tin vào phẩm chất chăm học, chăm làm, nghiêm túc rèn luyện của đông đảo học sinh đã được thể hiện ở những thành tích đáng trân trọng như 5 năm gần đây.

          Nhân diễn đàn này,chúng tôi cũng xin tha thiết và rất trân trọng, mong mỏi, kiến nghị lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các ngành hữu quan, cùng với hệ thống chính trị toàn tỉnh, quan tâm theo tinh thần coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, do đó “Giáo dục-đào tạo là quốc sách hang đầu”  thông qua việc làm trong thực tiễn lãnh đạo-quản lý, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi để mục tiêu  “trường THPT thành phố Điện Biên Phủ trở thành trường trọng điểm chất lượng cao” nhanh chóng trở thành hiện thực.

          Trên tinh thần đó, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành, lãnh đạo Thành phố và quý vị đại biểu, sức khỏe hạnh phúc và nhiều thành công.

Kính chúc các thế hệ thày-trò trường trung học phổ thông thành phố Điện Biên Phủ thật nhiều niềm vui nhân ngày hội chào mừng 55 năm thành lập trường; vững bước đi lên theo mục tiêu đã chọn để 5 năm nữa – chúng ta tổ chức sinh nhật lần thứ 60 của nhà trường thật hoành tráng, thật vui vẻ! Cầu mong (tôi nói lại là chúng tôi cầu và mong) được gặp lại các em sau 5 năm nữa! Cũng chính tại đây!            

             Xin chào và hẹn gặp lại !

             Xin trân trọng cảm ơn! 

Đọc 8743 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ sáu, 17 Tháng 11 2017 14:25
1st