29 Tháng 3 2024

VÕ NGUYÊN GIÁP – HÀO KHÍ TRĂM NĂM

Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)

         Trong các cuốn sách rất giá trị viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặc biệt ấn tượng với cuốn VÕ NGUYÊN GIÁP – HÀO KHÍ TRĂM NĂM của nhà sử học Trần Thái Bình, do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm  2011. Cuốn sách ra đời vào đúng dịp Đại tướng bước vào tuổi tròn trăm, một cái mốc kỳ diệu và phi thường của cuộc đời một con người đã đi vào lịch sử và để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc thế kỷ XX.

Cán bộ, nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã dâng tặng bài thơ nhân dịp sinh nhật Người tròn 100 tuổi:

                                        Đại tướng anh hùng dễ mấy ai

                                        Đức độ, anh uy, trí, dũng, tài

                                        Thắng hai đế quốc, bách niên thọ

                                        Hoàn cầu có một, không có hai.

         Quả đúng là như vậy.

         Với cuốn VÕ NGUYÊN GIÁP – HÀO KHÍ TRĂM NĂM, theo thời gian biên niên, trên phạm vi bao quát và phong phú của tư liệu về một nhân vật đến bây giờ vẫn hấp dẫn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người đọc sẽ được tiếp cận với một nhân vật lịch sử lỗi lạc đã được thế giới mệnh danh là “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử” trong thế kỷ XX, “một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại”.

         Qua 100 đề mục và những hình ảnh tư liệu quý giá khắc họa hành trình cuộc đời của Đại tướng, người đọc có thể thấy được lịch sử của nước Việt Nam hiện đại qua chân dung một con người đã tỏa bóng lên cả hai thế kỷ.

         Hôm nay ngày 25/8/2021, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng, tôi xin được trích đăng từ cuốn sách một câu chuyện đầy xúc động về một cuộc gặp gỡ khác thường mở đường cho những đoàn tàu không số - Đường mòn Hồ Chí minh trên biển, để từ đó chúng ta càng hiểu thêm về nhân cách đẹp đẽ của một con người mà bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn gọi bằng cái tên thân thiết “Anh Văn”.

CUỘC GẶP GỠ KHÁC THƯỜNG

MỞ ĐƯỜNG CHO NHỮNG ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ

         Song song với việc xẻ dọc Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh, tháng 7.1959, một con đường Bắc – Nam xuyên biển Đông được bí mật chuẩn bị để vận chuyển vũ khí đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam. Ngay đêm 30 Tết 1959, theo quyết định của Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương, Tiểu đoàn 644 thường được gọi giả danh “tập đoàn đánh cá miền Nam” đã cho một tàu không số đầu tiên mở đường vào liên lạc để chi viện cho miền Nam.

         4 giờ chiều. Trên bến sông Gianh (Quảng Bình), 10 con người, 5 người đi tiễn, 5 người xuất phát vào Nam. Báo vụ viên đánh đi một bức điện mật:

         “Gửi Tỉnh ủy Quảng Nam,

         Thuyền rời bến 30 Tết. Dự kiến đến sau hai ngày. Đón tại Hố Chuối chân đèo , nhận được, báo cáo”.

         (đèo: đèo Hải Vân)

         Người được gọi ra đón là Nguyễn Chơn (sau này là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã ra đúng địa điểm chờ đón một tháng ròng mà con thuyền vẫn bặt vô âm tín.

         Người ra đi với con tàu không biết là những ai.

         Mãi 35 năm sau, nhà văn Nguyên Ngọc – nguyên Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam từng chiến đấu ở Liên khu V từ 1962 đến 1975 mới biết được tên bốn người thủy thủ đã thành liệt sĩ trong chuyến đi năm 1959, người duy nhất còn sống là anh Huỳnh Ba bị địch bắt đưa ra giam ở Côn Đảo, sau khi anh đã thủ tiêu hết số súng đạn, vứt xuống biển cho phi tang trước khi tàu tuần tiễu của địch bắt được tàu ta một cách ngẫu nhiên ngoài biển khơi.

         Chuyến tàu đầu tiên chủ động từ miền Bắc vào Nam thế là không thành công.

         Cần có một lộ trình mới, thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.

         Lần thứ hai, lại một bức điện tuyệt mật được đánh đi, từ cơ quan đầu não của tối cao của Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh:

         “Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam. Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào”.

         Nhiều nơi từ Liên khu V, Cực Nam Trung bộ và Nam bộ đã nhận được điện và cử người ra Bắc. Từ Bình Thuận, khu ủy khu VI quyết định cử anh Đặng văn Thanh ra Bắc báo cáo. Khu ủy giao cho Thanh một phong bì, dặn phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù có hy sinh cũng phải thủ tiêu đi, trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội, chỉ được giao tận tay cho một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

         Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa một con người lẩn khuất trên một địa bàn bí mật miền Nam vượt muôn nghìn gian khổ ra Bắc để gặp vị Đại tướng Tổng tư lệnh đã diễn ra. Người chỉ huy quân sự tối cao của cả nước bước tới, bắt tay anh Thanh, rồi ôm lấy cả hai vai anh:

          - Đồng chí Thanh ngồi xuống đi.

          Đại tướng tự tay bóc thuốc lá và rót nước mời:

          - Đồng chí Thanh đi đường mất mấy tháng? Sức khỏe bây giờ thế nào? Đã đi khám bệnh chưa? Anh Lê, anh Hiền có khỏe không?

          Anh Thanh đứng dậy:

          - Thưa Đại tướng, có cái phong bì này, anh Hiền dặn tôi chỉ được đưa tận tay cho Đại tướng.

          Ông cầm phong bì, nhưng đặt xuống bàn:

          - Bây giờ đồng chí Thanh kể chuyện cho chúng tôi nghe đã. Tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể…

          Người sĩ quan tham mưu dẹp mấy cái cốc và trải ra trên mặt bàn một tấm bản đồ lớn. Đại tướng đưa cho anh Thanh một cây bút chì vót nhọn:

          - Đây, đồng chí báo cáo đi, và chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ…

          Anh Thanh cầm cây bút, đứng sững trước tấm bản đồ rất lâu. Người sĩ quan tham mưu nhắc:

         - Đồng chí Thanh bình tĩnh nói đi!

         Anh Thanh quay sang Đại tướng, lắp bắp mãi mới nói được mấy tiếng:

         - Báo cáo… báo cáo Đại tướng… Tôi… Tôi không biết chữ.

         Căn phòng bỗng lặng ngắt.

         Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu. Rồi ông nghẹn ngào nói với người sĩ quan tham mưu:

         - Anh em ta trong ấy vậy đó…

         Ông cầm lấy bút chì từ tay anh Thanh, kéo anh lại cạnh ông:

         - Bây giờ thế này nhé, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ, và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây này, cái vạch đỏ này là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây Phan Thiết. Còn chỗ này, cái mũi nhọn này, Thanh nhìn rõ không, là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná…

         Như vậy đó, đêm ấy Đại tướng ở lại với anh Thanh rất khuya.

         Anh kể với Đại tướng, không chỉ tình hình các vùng anh từng biết, từng sống, từng hoạt động, mà còn kể tất cả cuộc đời anh. Từ ngày là thằng bé mồ côi cha mẹ, 8 tuổi đã làm nghề lặn cá ở biển Cà Ná, nơi nước biển, người ta nói, mặn nhất toàn Đông Dương. Từ ngày 15 tuổi, đi theo cách mạng, chị anh khóc: “Thôi em đi đi. Theo các anh, chứ ở nhà cũng không sống được đâu”. Và anh kể cả những ngày anh làm nhiệm vụ chở vũ khí bí mật thời 9 năm chống Pháp. Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Găng, Mũi Né, Kê Gà… Có khi vô tận Cà Mau. Và những đồng chí bị lính Diệm bắt, cột xe ngựa, kéo xác, tan nát thịt xương…

        Đại tướng ngồi nghe, thỉnh thoảng lại nhắc một câu:

        - Thanh uống nước đi đã.

        Cho đến khi người cán bộ tham mưu rời quyển sổ ghi chép, đứng dậy nói:

        - Báo cáo thủ trưởng, đã 1 giờ sáng.

        Đại tướng cũng đứng dậy. Ông nói:

        - Cảm ơn, cảm ơn đồng chí Thanh.

        Lần này, ông không bắt tay anh, mà ôm chặt cả hai vai anh. Ông nói:

        - Bây giờ đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ, tôi giao nhé, phải làm kỳ được. Một: Chữa bệnh, bồi dưỡng thật khỏe. Tóc rụng hết cả rồi đây này. Hai: phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào hoàn thành những nhiệm vụ ấy, báo cáo cho tôi biết. Thôi, về đi. Đêm nay ngủ cho thật ngon…

        Một cuộc gặp gỡ thật là ly kỳ. Không phải là một cuộc báo cáo tình hình khô khan. Cũng không chỉ là một cuộc giao nhiệm vụ lạnh lùng của một cấp trên nghiêm khắc. Chan hòa giữa hai người là một tình thông cảm thương yêu không bến bờ.

        Chính đó là một động lực tinh thần cho một trong những mặt trận lặng lẽ âm thầm nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

        Đại tướng đã nghe anh Thanh, chăm chú, thận trọng, để lập phương án cho những con tàu không số sẽ rẽ sóng vô Nam chi viện cho đồng bào trong ấy.

Từ đây, nhiều con tàu đã chở hàng trăm, rồi hàng nghìn tấn vũ khí, xuất phát bí mật từ các bến ở cửa sông Gianh (Quảng Bình) và cả ở gần cửa biển Đồ Sơn, mở đường thắng lợi cho những chuyến chi viện vượt biển. Có lần chính Đại tướng đã đích thân ra tiễn ngoài cửa biển. Ông ra đến tận nơi, nắm tay chiến sĩ trước phút ra khơi, dường như không phải với tư cách Tổng tư lệnh quân đội, mà là với trái tim của người anh cả quân đội nhân dân.

        Trong hàng mấy trăm chuyến đi quan trọng,đặc biệt chuyến ra khơi ngày 29.11.1964 đã chuyển vũ khí vào Bà Rịa để trang bị đủ cho một trung đoàn bộ binh kịp thời tham gia chiến dịch Bình Giã (từ 2.12.1964 đến 31.1.1965). Số vũ khí được chuyển vào trong những chuyến sau cũng góp phần tạo ra chiến thắng cho các trận đánh ở Ba Gia, Vạn Tường, Bàu Bàng. Nhiều tập thể, cá nhân trong đó có Đặng Văn Thanh – người đầu tiên từ khu VI ra Bắc báo cáo với Đại tướng Tổng tư lệnh đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hai con đường huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đã thay đổi thế cờ của cuộc chiến tranh miền Nam. Từ chỗ cơ sở cách mạng bị phá chỉ còn 1/10, nhờ có những trang bị lực lượng và vũ khí mới từ miền Bắc đưa vào theo đường Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã tiến tới hình thành Quân Giải phóng miền Nam, “một bộ phận quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.”

        Cho đến hôm nay, tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi càng thêm thấm thía lời tâm cảm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi ông hồi tưởng lại kỷ niệm lần đầu tiên ra gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh nhận chỉ thị quan trọng cho việc mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bài của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vừa được báo Quân đội Nhân dân đăng ngày 21/8/2021, với nội dung câu chuyện đầy xúc động và đoạn kết thật vô cùng ý nghĩa. Ông viết:

        "Tôi nghĩ người lãnh đạo cao nhất của quân đội trước tình hình khẩn trương mà vẫn ưu tiên thăm hỏi về đời sống của bộ đội và nhân dân trong chiến trường; rồi còn hỏi cặn kẽ tình hình cán bộ và gia đình ở hậu phương thì thật cảm động. Từ đó tôi tự tìm ra kết luận cho mình rằng: Sở dĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ đội cũng luôn sẵn sàng xông lên phía trước để chiến thắng là vì có người Tổng chỉ huy tối cao như thế. Ông là học trò gần gũi của Bác Hồ, thể hiện phẩm chất đạo đức và tính nhân văn, đã thu phục được lòng cán bộ, chiến sĩ toàn quân - nhân tố quyết định đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tôi tâm niệm đó cũng là một bài học cho mọi cán bộ trong quân đội ta".

        Từ tâm sự của Trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Quốc Thước tôi lại liên tưởng đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới. Trả lời câu hỏi vì sao Pháp thua, Việt Minh thắng, Jules Roy, sĩ quan quân đội Pháp, nhà văn từng đoạt giải lớn về văn học của Viện Hàn lâm Pháp, khi viết “Khúc tưởng niệm cho cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ” đã nêu câu hỏi: Lỗi tại ai? Và đã tự trả lời:

        “Trước hết là bởi tại phẩm chất của những con người mà ta đã đối mặt. Các tướng lĩnh trong quân đội của họ không có ai khác những người lính bình thường, ngoại trừ tuổi tác và màu sao gắn trên ve áo. Áo họ cùng một thứ vải may xoàng xĩnh, chân đi cùng một thứ dép cao su, mũ nan đội trên đầu không ai khác ai và các đại tá cũng cuốc bộ đường trường như lính. Ai cũng ăn thứ gạo khoác trên mình, những thứ củ bới trên rừng, những con cá tự câu và uống nước ở các thác suối. Không có những cô thư ký xinh đẹp, những suất ăn đặc biệt dành riêng, những xe ôtô con cắm cờ hiệu nhặng xị, những chiếc gậy chỉ huy dàn nhạc lễ, nhưng chao ôi lạy Chúa, họ lại có chiến thắng!”

        Và tôi lại xúc động nhớ ngày Đại tướng ra đi, vĩnh biệt Nhân dân về với thế giới người hiền. Tôi đã hòa vào dòng người đông vô tận xếp hàng hơn 4 tiếng đồng hồ để chờ được vào viếng Người mà không được, bởi đã 12 giờ đêm mà dòng người vẫn còn dài như không dứt. Nhưng tôi đã được đến thắp hương viếng Người ở đất mẹ Quảng Bình. Nơi Đại tướng nằm giữa trời mây non nước bao la, đầu như gối lên dãy Trường Sơn, chân đạp sóng biển Đông, mắt hướng nhìn ra phía biển, thể phách tuy đã hòa vào đất mẹ mà hào khí anh linh vẫn như tạc vào trời biển núi non để trấn giữ non sông, truyền lại cho toàn quân, toàn dân ta ý chí giữ nước bất diệt, đời đời.

Lại nhớ bài thơ của nữ thi sĩ Hoàng Thị Hải Phượng, nhà thơ dân tộc Thái tỉnh Điện Biên đã viết rất mộc mạc mà vô cùng thiết tha đằm thắm về Người - Đại tướng của nhân dân:

"Con đến thăm Người, Đại tướng ơi!

Tháng Ba ban kể chuyện bên Người,

Mường Then in dấu chân muôn thuở,

Đảo Yến vỗ về, giấc thảnh thơi.

Năm sáu (56) ngày đêm nên lịch sử,

Vạn niên thế giới biết Mường Trời,

Vũng Chùa đảo Yến ru hồn Việt

Bia khắc lòng dân, mãi rạng ngời."

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ Người!

Ngày 25 tháng Tám năm 2021

Phạm Thị Xuân Châu

Đọc 4005 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ sáu, 27 Tháng 8 2021 11:37
1st