Văn hóa đọc không chỉ là một nhu cầu mà còn là một "nguồn sống" là "mạch nguồn tri thức" để nuôi dưỡng tinh thần, bồi đắp tâm hồn, thắp sáng tri thức và góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Phát triển văn hóa đọc là một yếu tố then chốt để xây dựng một xã hội học tập, một xã hội mà ở đó, mỗi người đều tự mình hướng đến sự hoàn thiện, phát triển và cống hiến cho cộng đồng.
Xây dựng văn hóa đọc bắt đầu từ rèn luyện cho mỗi cá nhân, về thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc, lựa chọn sách hay có ý nghĩa từ đó giúp chúng ta chủ động trong việc tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức, mở mang tầm nhìn và nuôi dưỡng tâm hồn. Vì vậy, sách chính là ngọn đèn soi sáng hành trình tự học, tự rèn luyện, tự khám phá để mỗi chúng ta không ngừng hoàn thiện và vươn lên đúng như M.Goocki từng nói“ Sách mở ra trước mở trước mắt tôi những chân trời mới”.
Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đã xây dựng và ban hành kế hoạch số 609/KH-THPTTPĐBP, ngày 28/9/2024 về việc tổ chức thực hiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024. Theo kế hoạch, Tuần lễ học tập suốt đời được tổ chức thực hiện từ ngày 01/10/2024 đến 07/10/2024. Nhà trường đã cử 02 đại biểu tham dự Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 do UBND thành phố Điện Biên Phủ phối hợp tổ chức, tại trường THCS Trần Can, thành phố Điện Biên Phủ vào ngày 01/10/2024.
Ngoài việc tổ chức căng băng rôn tuyên truyền, quảng bá tinh thần của Tuần lễ, các chùm hoạt động hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo. Với mục đích xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, nâng cao chất lượng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với các hình thức đa dạng và phong phú phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường, các hoạt động được thầy và trò nhà trường thực hiện sôi nổi và nghiêm túc. Qua các giờ học các thầy cô định hướng cho các em học sinh tìm kiếm đọc những cuốn sách hay để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kỹ năng sống
Để nâng vị thế và vai trò chuyển đổi số, các văn bản, kế hoạch, thông tin tuyên truyền về Tuần lễ đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường và trên các nền tảng mạng xã hội. Tại các lớp, học sinh được các thầy cô chủ nhiệm hướng dẫn xây dựng chương trình và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại trong cuộc sống, công việc cho học sinh, thực hiện hướng dẫn học sinh kỹ năng tìm kiếm khai thác sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách hiệu quả, an toàn cho học sinh.
Việc tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng, giúp nâng cao nhận thức về năng lực tự học trong kỷ nguyên số; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ, xây dựng, cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đặc biệt là yêu cầu xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để khuyến khích học sinh đọc các tài liệu, qua đó rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời cho học sinh
Đoàn trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm khuyến khích học sinh lớp tận dụng quỹ thời gian đến Thư viện mở của nhà trường để trao đổi sách, tài liệu học tập, trao đổi kinh nghiệm đọc sách, các đội tuyển học sinh giỏi đặc biệt là môn Ngữ văn giáo viên cùng học trò đã say sưa tìm kiếm rất nhiều tư liệu phục vụ cho các dạng đề ôn luyện trên thư viện nhà trường. Kết quả trong tuần lễ đã có hàng trăm lượt học sinh đến thư viện mở để tra cứu, trao đổi và đọc tài liệu tạo được phong trào thi đua học tập và nâng cao kiến thức học tập ở các học sinh trong nhà trường.
Phong trào tạo các nhóm zalo xây dựng tìm kiếm tài liệu học tập đã được các em hưởng ứng. Việc xây dựng“tủ sách lớp học “ được các lớp triển khai có hiệu quả. Điển hình như lớp 11B8, 12C4, …. Riêng trong tuần phát động, lớp 12C4 đã thành lập được tủ sách riêng của lớp có hơn 45 đầu sách tham khảo.
Thời đại công nghệ phát triển, con người ngày càng bị cuốn hút bởi những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội và điện thoại thông minh. Bởi vậy nếu muốn biết thêm thông tin, người ta thường có xu hướng tìm kiếm trên Google nhanh chóng. Tuy nhiên, không vì vậy mà những cuốn sách hay mất đi giá trị cốt lõi của nó. Không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức hay những câu từ đơn nghĩa, vai trò của sách còn cao cả hơn nhiều, mang đến cả giá trị tinh thần và vật chất cho người đọc. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta chiếm lĩnh tri thức mà còn giúp ta tìm thấy chính mình, hiểu rõ hơn những giá trị sống, biết yêu thương, biết trân trọng nâng niu cuộc sống, chia sẻ và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Điều quan trọng là từ đó chúng ta đúc rút bài học, ứng dụng vào thực tiễn để xây dựng cuộc đời mỗi chúng ta ngày càng "hướng về phía ánh sáng" hơn, tạo thêm nhiều quả ngọt cho đời, có thêm nhiều giá trị cho bản thân, gia đình và trao đi cho cộng đồng, cho dân tộc. cho nên phải đọc, đọc để đầu óc được sáng lạng, đọc để nói chuyện với người khác, đọc để tăng độ hiểu biết, đọc để nhanh nhạy hơn, thông minh hơn. Đọc để kích thích tinh thần, giảm căng thẳng, làm giàu kiến thức, vốn từ ngữ được mở rộng, cải thiện trí nhớ, đọc sách thường xuyên giúp chúng ta tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, cải thiện sự tập trung, kỹ năng viết tốt hơn, tâm hồn được yên tĩnh.
Với ý nghĩa “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, “Đọc một cuốn sách hay giống như trò chuyện với người thông minh”, Thầy và trò trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đã mang đến tuần lễ “ Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” một thông điệp giàu ý nghĩa giá trị đối với đời sống tâm hồn, trí tuệ, tư tưởng và tình cảm của con người. Tuần lễ gửi đi thông điệp quan trọng: Mỗi cá nhân, mỗi tập thể dù ở bất kỳ cương vị nào, chúng ta đều cần phải rèn luyện kỹ năng đọc, nuôi dưỡng thói quen đọc và hơn thế nữa, biến việc đọc trở thành một niềm đam mê, một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Tác giả: Lý Thu Thảo (NN) – Nguyễn Bích (Ngữ văn)